Bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021
Điện Biên TV - Tiếp tục ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, buổi chiều nay (11/7), kỳ họp làm việc tại hội trường bầu bổ sung và miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh |
Theo đó, kỳ họp đã bầu bổ sung ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp vào Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 với 44 phiếu đạt tỷ lệ 88% trên tổng số 50 đại biểu; đồng thời miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Điện Biên khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đối với ông Lò Văn Thoạn, Nguyên Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh do hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/7/2017.
Cũng trong phiên làm việc, kỳ họp đã thông qua một số Tờ trình, báo cáo thẩm tra các Tờ trình liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động, học sinh vùng đặc biệt khó khăn; biên chế công chức, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Hội có tính chất đặc thù.
Tờ trình về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Theo mục tiêu cụ thể của Tờ trình gồm: Giáo dục mầm non: Nâng tỷ lệ huy động trẻ em từ 03 tháng đến 36 tháng tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non từ 19,2% năm 2015 lên 50% năm 2020, đến năm 2025 là 55% và năm 2030 là 60%; tỷ lệ trẻ em 3-5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non từ 96% năm 2015 lên 98% năm 2020, đến năm 2025 là 99,5% và năm 2030 là 99,8%. Giáo dục phổ thông: Nâng tỷ lệ huy động dân số 6 tuổi vào học lớp 1 từ 99,63% năm 2015 lên 99,8% năm 2020, đến năm 2025 là 99,9% và năm 2030 là 99,9%; tỷ lệ dân số 6-10 tuổi học tiểu học từ 99,2% năm 2015 lên 99,5% năm 2020, đến năm 2025 là 99,7% và năm 2030 là 99,8%; Nâng tỷ lệ huy động dân số 11 tuổi vào lớp 6 từ 92,3% năm 2015 lên 96,5% năm 2020, đến năm 2025 là 97% và năm 2030 là 97,5%; tỷ lệ dân số 11-14 tuổi học trung học cơ sở tăng từ 90,2% năm 2015 lên 95% vào năm 2020, đến năm 2025 là 96% và năm 2030 là 96,5%; Nâng tỷ lệ huy động dân số 15 tuổi vào học lớp 10 từ 54,2% năm 2015 lên 55,8% năm 2020, đến năm 2025 là 65% và năm 2030 là 72%; tỷ lệ dân số 15-18 tuổi học trung học phổ thông và tương đương tăng từ 55,2% năm 2015 lên 70% năm 2020, đến năm 2025 là 74% và năm 2030 là 80%; Nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú từ 4,9% năm 2015 lên 10% sau năm 2025. Tỷ lệ học sinh phổ thông diện bán trú được ở nội trú trong trường so với tổng số học sinh phổ thông diện bán trú tăng từ 30% năm 2015 lên 37% năm 2020 và đến năm 2025 là 45%, đến năm 2030 là 55%. Tỷ lệ học sinh học sinh tiểu học và THCS được học chữ và tiếng Thái, Mông tăng từ 7,8% năm 2015 lên 12,2% năm 2020 và đến năm 2025 là 12,7%, đến năm 2030 là 13,4%. Giáo dục thường xuyên: Phấn đấu mỗi năm huy động khoảng 1.200 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT...
Đại biểu nghiên cứu các Tờ trình, báo cáo thẩm tra |
Theo Tờ trình về việc Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng vi rút HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, Mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Đối với người nhiễm HIV thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên, đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%, ngân sách địa phương hỗ trợ 20%) theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 của UBND tỉnh. Hỗ trợ bổ sung thêm 50% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương cho người nhiễm HIV thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hỗ trợ 100% chi phí cùng chi trả đối với người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế, điều trị thuốc ARV có mức cùng chi trả 5% và 20% tại các cơ sở y tế có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tờ trình Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, Điện Biên phấn đấu tốc độ tăng GRDP của tỉnh bình quân cả thời kỳ 2016-2030 khoảng 7,2%/năm; Phấn đấu đến năm 2030 Điện Biên trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Trong giai đoạn 2016-2020, tạo việc làm cho khoảng 7.800 - 8.200 lao động/năm và giai đoạn 2021-2030 là 9.000-10.000 lao động/năm; Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh, đến năm 2020 còn khoảng 33%, năm 2030 xuống dưới 10%; Nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 38,4% năm 2015 lên khoảng 41,9% năm 2020 và 48% năm 2030; Hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai biên giới, đường ra biên giới theo tiêu chuẩn đường cấp V, VI miền núi.
Đối với Tờ trình về việc Quy định chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động của tỉnh Điện Biên đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Theo Tờ trình, người lao động có hộ khẩu thường trú từ đủ 12 tháng trở lên và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức có tư cách pháp nhân và các doanh nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu, cấp giấy cho phép tuyển chọn lao động của tỉnh Điện Biên đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Trong đó, hỗ trợ 1 lần tiền vé tàu xe khi tham gia sơ tuyển tại doanh nghiệp và tiền vé tàu xe khi đi làm việc; đồng thời hỗ trợ tiền vé tàu xe đưa, đón người lao động trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm.
Tờ trình về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Điện Biên năm 2017. Theo kế hoạch giao biên chế công chức năm 2017, tổng số biên chế được Bộ Nội vụ giao cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Điện Biên năm 2017 là 2.306 biên chế; trong đó giao tại Quyết định số 3925/QĐ-BNV ngày 25/10/2016 của Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017, số biên chế công chức được giao cho tỉnh Điện Biên trong năm 2017 là 2.252 biên chế, so với số biên chế công chức đã giao cho tỉnh Điện Biên trong năm 2016 (giao 2.287 biên chế công chức) giảm 35 biên chế công chức. Ngày 28/6/2017 Bộ Nội vụ có Quyết định số 3925/QĐ-BNV về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2017 của tỉnh Điện Biên, trong đó giao bổ sung 54 biên chế công chức (15 biên chế cho Hạt Kiềm lâm huyện Mường Nhé và 39 biên chế cho Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, tổng số công chức được giao của tỉnh tính đến 30/6/2017 là 2.306 biên chế.
Cũng trong buổi chiều nay, kỳ họp đã thông qua các Tờ trình: Tờ trình về việc Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Tờ trình về việc Quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Tờ trình đề nghị chấp thuận bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác năm 2017; Tờ trình về việc giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc trong các Hội có tính chất đặc thù thuộc tỉnh Điện Biên năm 2017; đồng thời thông qua các báo cáo thẩm tra các Tờ trình.
Ngày mai (12/7), trong buổi sáng đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ; buổi chiều thực hiiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận tại hội trường /.
Diệp Xuân