Công bố Luật hình sự mới được Quốc hội khóa XIV thông qua

Thứ Năm, 13/07/2017, 09:41 [GMT+7]

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
 
Chiều 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đó là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015; Luật trợ giúp pháp lý; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; và Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
 

1
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 6 luật mới được Quốc hội thông qua


Những điểm cơ bản đáng chú ý của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.

Theo đó, Luật quy định: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể; chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông, đồng thời, bổ sung tội danh mới là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế; bổ sung quy định theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Luật quản lý tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) quy định 7 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của việc khai thác.

Đồng thời, Luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Luật giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Luật cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa ngay khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số thiệt hại về tinh thần và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp bị thiệt hại về tinh thần so sức khỏe bị xâm phạm.

Đặc biệt, theo quy định của Luật, người bị thiệt hại được tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán ngay được, không cần xác minh. Luật cũng bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng: Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự; quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi./.

 

Theo VOV

.