Xã đông công chức viên chức nhưng xảy ra việc Trung ương phải về làm
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói như vậy khi cho biết số công chức, viên chức ở xã có tới 1,4 triệu người, chiếm 16,5% tổng chi ngân sách nhà nước.
Ngày 3/6, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ chì hội nghị. Tham dự hội nghị có 500 đại biểu tại hội trường ở Hà Nội và trên 1.000 đại biểu tại 72 điểm cầu trong cả nước.
Ông Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ (Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chi tiêu thường xuyên càng ngày càng tăng, chi đầu tư phát triển giảm xuống, nợ công tăng lên là những vấn đề đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tinh giản biên chế, cơ cấu lại vị trí cán bộ, công tác quản lý cán bộ công chức, viên chức.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn chứng về bội chi ngân sách cho công tác cán bộ khi so sánh nước ta với Nhật Bản. Khi chúng ta cần đến 65% tổng chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên thì Nhật Bản chỉ phải chi tối đa 10%.
Số chi thường xuyên chiếm tỉ trọng quá lớn, trong đó phần lớn là chi trả lương cho cán bộ công chức, viên chức đang làm chậm quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Ông Phạm Minh Chính cũng nêu một thực trạng khác, đó là số lượng công chức, viên chức ở xã có tới 1,4 triệu người, chiếm 16,5% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng khi một việc xảy ra ở xã thì Trung ương phải về làm. Đến thời điểm này, mới có 4% cấp xã tự cân đối thu chi, 96% còn lại xin tiền nhà nước để duy trì bộ máy trong khi bộ máy ở một số nơi hoạt động kém hiệu lực hiệu quả. Do vậy phải đổi mới công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi tiêu thường xuyên.
“Tinh giản biên chế của chúng ta chưa có hiệu quả. Vậy nguyên nhân từ đâu? Thứ hai là tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Hai việc này là hai việc làm song song” – ông Phạm Min Chính nhấn mạnh và lấy ví dụ có nơi tưởng thiếu biên chế nhưng đội ngũ phục vụ lại thừa, do đó cần cơ cấu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nhóm nội dung gồm: công tác tổ chức, cán bộ; công tác tuyển dụng, vị trí việc làm, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tham gia góp ý tại hội nghị, ông Đặng Duy Vân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, muốn tinh giản biên chế, phải giảm bớt số đơn vị trực thuộc. Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Lào Cai đã giảm được 78 đầu mối các cơ quan trực thuộc, qua đó đã giảm số lãnh đạo cấp phòng, ban được 92 người và tinh giản biên chế 1.486 người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Bộ Y tế đang giảm bộ máy các Trung tâm tuyến tỉnh không có giường bệnh và các Trung tâm y tế dự phòng. Tại tuyến huyện, Bộ Y tế đang nghiên cứu mô hình duy trì Trung tâm hai chức năng gồm bệnh viện, y tế dự phòng và Phòng y tế.
“Nếu chúng ta nhập các Trung tâm không có giường bệnh thì mỗi tỉnh dôi ra khoảng 6 đến 10 cán bộ cấp trưởng và nhân lên nữa thì cấp phó rất nhiều. Đối với cấp huyện tương tự như vậy. Hiện nay mới có 19 tỉnh làm đề án cấp tỉnh, cấp huyện thì chưa được một nửa trong cả nước. Nếu làm cấp huyện thì sẽ giảm được hơn 3.000 cán bộ lãnh đạo, chưa kể bộ máy hành chính, văn thư, kế toán... Nếu làm được thì chúng tôi nghĩ bộ máy sẽ tinh giản rất nhiều” – Bộ trưởng Tiến cho biết./.
Theo VOV