Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Điện Biên TV - Thời gian qua, Tỉnh ủy Điện Biên đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên ở cơ sở; là một trong những biện pháp cơ bản nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư (Khóa X) về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, nhằm cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư. Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ Điện Biên đã tích cực triển khai thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường và thị trấn, trong đó có 29 xã biên giới, 110 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 2.601 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó 1.444/1.813 thôn, bản có chi bộ độc lập (hiện còn 56 thôn, bản “trắng” đảng viên; 313 thôn, bản chưa có chi bộ phải sinh hoạt ghép). Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn gặp không ít những khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, nhận thức, trình độ năng lực của một số cấp ủy viên, bí thư chi bộ, nhất là ở nông thôn, vùng cao, biên giới còn hạn chế; cấp ủy cấp trên trực tiếp chưa định kỳ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chưa có biện pháp chỉ đạo kịp thời trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nội dung nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên trong toàn Đảng bộ. |
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nội dung sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chi bộ và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đã có những nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xác định đó là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực. Những kết quả đó đã được thể hiện, minh chứng ở ba nội dung cơ bản gồm: Về nền nếp sinh hoạt chi bộ, việc sinh hoạt chi ủy, chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ chi bộ bảo đảm nền nếp sinh hoạt định kỳ đều tăng cao. Các chi bộ khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghệp, tỷ lệ sinh hoạt định kỳ đạt trên 80%; chi bộ khối xã, phường, thị trấn đạt 79%; chi bộ khối lực lượng vũ trang đạt 92%. Đa số các chi bộ đã xây dựng kế hoạch, chương trình sinh hoạt toàn khóa, xác định rõ nội dung sinh hoạt từng tháng, do vậy chất lượng sinh hoạt đã được nâng lên, việc duy trì sinh hoạt đã đi vào nền nếp. Nhiều chi bộ bố trí sinh hoạt vào một ngày phù hợp của tuần đầu mỗi tháng, có chi bộ bố trí thời gian vào chiều thứ bảy cuối tháng để tổ chức sinh hoạt. Chuyển biến rõ nét nhất là ở Đảng bộ Công an, Quân sự tỉnh. Qua rà soát ở 277 chi bộ cho thấy, hầu hết các chi bộ đều chấp hành nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, chiếm tỷ lệ trên 95%. Đối với chi bộ doanh nghiệp, chi bộ hợp tác xã, chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ cũng được duy trì đều đặn và thường xuyên hơn với tỷ lệ sinh hoạt định kỳ đạt trên 90%.
Về nội dung sinh hoạt chi bộ, việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ được nhiều chi ủy, bí thư chi bộ chú trọng quan tâm. Các cấp ủy, chi bộ đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc và tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn nội dung sinh hoạt phù hợp, cụ thể và thiết thực như: quán triệt chỉ thị, nghị quyết, quyết định của cấp ủy cấp trên; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế và của địa phương tới cán bộ, đảng viên; kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động của chi bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Nhiều chi bộ, trong sinh hoạt, đã thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là nội dung thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên; đã chú trọng giải quyết tâm tư, vướng mắc của đảng viên, những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, từ đó tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên được bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Về phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt chi bộ, công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ được chú trọng, phù hợp với từng loại hình chi bộ. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy hội ý hoặc bí thư chi bộ thống nhất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước, dự kiến nhiệm vụ tháng sau, các nội dung cần thống nhất, triển khai để bàn bạc, thảo luận tại buổi sinh hoạt và thông báo trước cho đảng viên biết về thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ để đảng viên sắp xếp thời gian dự họp hoặc thông báo về nội dung sinh hoạt chuyên đề để đảng viên chuẩn bị ý kiến phát biểu, nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức mới cho đảng viên.
Có thể thấy, sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, chất lượng TCCSĐ, đảng viên được nâng lên, số chi bộ yếu kém đã giảm từ 1,3% năm 2007 xuống còn 0,79% năm 2016 (giảm 0,51%); số đảng viên vi phạm tư cách và không hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2007-2017 giảm từ 0,66% xuống còn 0,28%. Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, phản ánh sát với thực tế kết quả hoạt động của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; bước đầu đã khắc phục được “bệnh thành tích” trong đánh giá, phân loại hằng năm.
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Sinh hoạt chi bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. Tuy nhiên, hiện nay trong Đảng bộ tỉnh, vẫn còn một số hạn chế như: Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư ở một số cấp ủy còn chưa sát với thực tế của địa phương, đơn vị, chế độ thông tin, báo cáo theo quy định chưa được nghiêm. Kết quả chuyển biến về nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các đảng bộ và giữa các loại hình TCCSĐ, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thời gian tới, để tiếp tục “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai tốt một số nội dung: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên và phát triển đảng viên; quan tâm xây dựng đội ngũ cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ có trách nhiệm, có năng lực, trình độ và uy tín, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ của chi bộ; thực hiện đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm đảm bảo thực chất trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ và đảng viên; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên; gắn xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh với củng cố các tổ chức Đảng yếu kém; cấp ủy chi bộ phải kịp thời phát hiện, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, động viên, khích lệ những tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm Điều Lệ Đảng./.
Phong Lâm