Thực trạng và giải pháp phát triển đảng viên ở xã, thị trấn hiện nay
Điện Biên TV - Công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), nhằm tăng cường nguồn sinh lực, sức chiến đấu cho Đảng, bảo đảm tính kế thừa và sự phát triển liên tục của Đảng.
Đồng chí Tòng Văn Din, Bí thư chi bộ 6 bản Phì Cao, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (thứ 2, ngoài cùng bên trái sang) trao đổi với cán bộ bản Hồi Hương về công tác phát triển đảng viên, xóa bản “trắng” đảng viên |
Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên ở các loại hình TCCSĐ nói chung và loại hình TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã được các cấp uỷ, tổ chức Đảng quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả quan trọng về chất lượng và số lượng đảng viên kết nạp hằng năm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đến nay, 130 xã, phường, thị trấn của tỉnh Điện Biên đã kết nạp được 1.937 đảng viên mới, chiếm hơn 64 % tổng số đảng viên kết nạp, trong đó, riêng 3 tháng đầu năm 2017, kết nạp ở loại hình cấp xã (xã, phường, thị trấn) có 359/566 đảng viên mới kết nạp chiếm 63,4%. Công tác kết nạp đảng viên ở cơ sở trong tỉnh liên tục được tăng cao, góp phần không nhỏ vào việc xóa thôn, bản còn trắng tổ chức Đảng và Đảng viên. Đến nay, đã có 1.444/1.813 thôn bản có chi bộ độc lập (tăng 3% so với đầu năm 2016); số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ giảm từ 23,3% xuống còn 20,3% so với đầu năm 2016, trong đó số thôn, bản “trắng” đảng viên giảm từ 95 bản xuống còn 56 bản, xóa được 39 bản “trắng” đảng viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác kết nạp đảng viên mới ở cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định như, tỷ lệ quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng còn thấp, chưa đồng đều, còn nhiều cán bộ, công chức cấp xã vẫn chưa phải là đảng viên. Bên cạnh đó, ở các xã và thị trấn, một số thanh niên khi tốt nghiệp THPT thì đi học nghề, làm công nhân, học đại học hoặc làm việc tại các địa phương khác; số thanh niên còn lại ở địa phương thì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên ít tham gia sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, bản; chưa có ý thức phấn đấu, chưa coi trọng tư tưởng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng.
Nguyên nhân chính của những hạn chế trong công tác tạo nguồn kết nạp Đảng hiện nay là do ở thôn, bản số lượng cán bộ không chuyên trách hầu hết chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn, lại quá tuổi kết nạp; việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp đảng vẫn còn sơ sài, yếu kém; năng lực lãnh đạo của nhiều chi bộ còn hạn chế; bên cạnh đó, một số tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên ở các thôn, bản cũng chưa tạo được nhiều phong trào để thu hút, tập hợp đoàn viên vào hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào đảng; thêm vào đó vẫn còn những định kiến, phong tục tập quán, gia đình, dòng họ còn tồn tại. Nên công tác tạo “Nguồn” phát triển Đảng đang gặp nhiều trở ngại và khó khăn.
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, công tác kết nạp đảng viên mới ở cơ sở cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, quy hoạch và bồi dưỡng "nguồn" phát triển đảng viên, đảm bảo về số lượng, có cơ cấu hợp lý; người vào Đảng phải đảm bảo đủ điều kiện về tuổi đời, trình độ học vấn, đủ thủ tục, đúng nguyên tắc quy định về hồ sơ kết nạp Đảng. Để làm tốt công việc này các chi bộ phải ra quyết định giao nhiệm vụ cho đảng viên chính thức giúp đỡ, theo dõi, hướng dẫn đầy đủ thủ tục không được gây phiền hà cho quần chúng khi làm thủ tục hồ sơ cho đến khi được cấp uỷ Đảng có thẩm quyền ra quyết định kết nạp vào Đảng.
Hai là, tổ chức tốt việc xét kết nạp đảng viên, đảm bảo nguyên tắc, đúng Điều lệ Đảng, phát huy dân chủ, coi trọng chất lượng, tránh tư tưởng xem nhẹ, giản đơn, đồng thời chấn chỉnh kịp thời tư tưởng hẹp hòi, định kiến, đặt yêu cầu quá cao đối với người xin vào Đảng. Lễ kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức và phát thẻ đảng viên cần được tổ chức trang trọng, chu đáo, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với đảng viên.
Ba là, tăng cường công tác phát triển Đảng, hướng trọng tâm vào thế hệ trẻ, nông dân, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, con em các gia đình có công với cách mạng, phụ nữ, dân tộc thiểu số; chú trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đoàn thể ở các thôn, bản; giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên đối với các TCCSĐ ở xã và thị trấn, các chi bộ thôn, bản. Khắc phục dứt điểm tình trạng chi bộ thôn, bản nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.
Bốn là, hằng năm cấp uỷ Đảng cấp trên trực tiếp của cấp uỷ cơ sở giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho các TCCSĐ trực thuộc gắn với thực hiện nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”. Các Đảng bộ xã và thị trấn phải tổ chức tốt việc phân công cấp uỷ viên, đảng viên phụ trách công tác phát triển đảng viên; các tổ chức Đảng ở thôn, bản cần phân công đảng viên chính thức theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên và giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức.
Năm là, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú, thực sự có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định, nhất là những quần chúng có thành tích xuất sắc trong các phong trào hành động cách mạng của các đoàn thể, quần chúng ở cơ sở, để tạo nguồn phát triển Đảng viên.
Làm tốt công tác phát triển Đảng viên, là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, để mỗi đảng viên thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, từ đó góp phần tích cực củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh./.
CTV Phong Lâm