Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Đảng sau chia tách

Thứ Năm, 25/05/2017, 18:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”, thời gian qua các cấp uỷ cấp huyện, thị đã nỗ lực giảm số lượng chi bộ sinh hoạt ghép, đồng thời quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng sau chia tách.

s
Chi bộ bản Na Tông 1 xã Na Tông huyện Điện Biên (Điện Biên) sau khi xã được chia tách năm 2013, Chi bộ nhiều năm liền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”

 

Chia tách chi bộ sinh hoạt ghép là hoạt động nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức cơ sở Đảng. Để thực hiện tốt mục tiêu giảm chi bộ ghép, củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng sau chia tách đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy đã phân công ủy viên Ban Chấp hành, chuyên viên các ban Đảng, cán bộ cơ quan chuyên môn phụ trách các xã, thị trấn; các đảng bộ cơ sở, để phân công các đồng chí ủy viên phụ trách thôn, bản sau khi chi bộ chia tách. Ở các chi bộ, đảng viên cũng được phân công công việc, trực tiếp phụ trách các nhóm hộ trong thôn, bản. Việc phân công này không chỉ giúp cơ sở nhìn nhận những hạn chế để kịp thời khắc phục, lựa chọn nội dung sinh hoạt phù hợp mà còn là cách kiểm tra, đánh giá thực chất hoạt động của các chi bộ cơ sở sau chia tách.

Đồng chí Văn Hữu Bằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh chia tách 34 chi bộ sinh hoạt ghép, riêng 3 tháng đầu năm 2017 chia tách 14 chi bộ, hiện còn 221 chi bộ sinh hoạt ghép. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, việc chia tách chi bộ sinh hoạt ghép cơ bản đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo điều kiện để các chi bộ từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, giúp cho công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có được hiệu quả cao hơn. Đảng viên đã phát huy vai trò, tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, điều quan trọng là Đảng ủy xã cần phải xem xét, đánh giá đúng năng lực của các đảng viên dự kiến tham gia chi ủy chi bộ, nếu thấy đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành tách chi bộ sinh hoạt ghép”.

Để giảm chi bộ ghép, củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng sau chia tách, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, vận dụng linh hoạt với thực tiễn địa phương trên nền tảng các Nghị quyết đã và đang thực hiện trước đây. Do vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, ở 130 xã, phường, thị trấn của tỉnh Điện Biên đã kết nạp được 1.937 đảng viên, chiếm hơn 64 % tổng số đảng viên kết nạp, trong đó, riêng 3 tháng đầu năm 2017, kết nạp ở loại hình cấp xã (xã, phường, thị trấn) có 359/566 đảng viên mới kết nạp chiếm 63,4%. Công tác kết nạp đảng viên mới ở xã, phường, thị trấn đã giúp tổ chức Đảng ở các xã trong tỉnh được nâng cấp thành đảng bộ cơ sở, số chi bộ trực thuộc tăng cao, đến nay đã có 1.444/1.813 thôn bản có chi bộ độc lập (tăng 3% so với đầu năm 2016), thu hẹp diện Chi bộ sinh hoạt ghép từ 256 xuống 221 chi bộ ghép so với đầu năm 2016; số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ giảm từ 23,3% xuống còn 20,3% so với đầu năm 2016, trong đó số thôn, bản “trắng” đảng viên giảm từ 95 bản xuống còn 56 bản, xóa được 39 bản “trắng” đảng viên.

Tại Đảng bộ huyện Điện Biên, sau hơn một năm (2016 - 2017) đã tách 08 chi bộ sinh hoạt ghép. Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo đảng uỷ cơ sở phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách thôn, bản. Trong đó, chú trọng từng thôn, bản mới thành lập chi bộ sau chia tách để hỗ trợ cấp ủy trong hoạt động nghiệp vụ. Cách làm này giúp cho chi bộ sau chia tách được ổn định, chất lượng sinh hoạt Đảng từng bước được nâng lên, hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể theo đó đã có những chuyển biến tích cực.

Có thể thấy, trên đây là những minh chứng cho thấy những chuyển biến tích cực của các chi bộ sau chia tách, nhiều chi bộ đã nêu cao được sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở mỗi địa bàn dân cư. Đồng chí Giàng Giống Và, Bí thư Chi bộ bản Sơn Tống, xã Na Tông (Huyện Điện Biên) cho biết: “Từ khi chia tách, việc triển khai các chủ trương của cấp uỷ cấp trên tới đảng viên và cụ thể hoá vào tình hình thực tiễn của thôn, bản được thuận lợi và kịp thời hơn. Năm 2016, Chi bộ đã thực hiện hiệu quả các phong trào do địa phương phát động như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng mô hình “Vườn - Ao - Chuồng” đem lại hiệu quả cao, góp phần không nhỏ vào việc chi bộ lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Hay như Chi bộ bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm (Mường Nhé), sau chia tách, Chi ủy quan tâm vận động đảng viên, quần chúng nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo diện mạo mới cho kinh tế nông - lâm nghiệp trong thôn, bản. Tại Chi bộ 1 bản Na Ngua, xã Luôn Giói (Điện Biên Đông), đã phát huy tốt vai trò của người bí thư chi bộ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở…

Tuy nhiên, sau chia tách một số chi bộ vẫn còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như: Số lượng đảng viên ít (3-5 người); khó tạo nguồn kết nạp đảng viên mới; nghiệp vụ công tác Đảng của người đứng đầu cấp uỷ còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt của chi bộ. Do đó, để nâng cao năng lực đội ngũ Bí thư tại các chi bộ mới chi tách và thành lập, các Đảng bộ cơ sở đã chú trọng việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng, tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ bí thư chi bộ thôn, bản sau chia tách. Bên cạnh đó, các đảng viên là cán bộ xã, thị trấn đều được Đảng ủy cử tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản; giao nhiệm vụ trực tiếp giúp đỡ cơ sở, ít nhất phải bồi dưỡng, giới thiệu từ 01 đến 02 quần chúng ưu tú để phấn đấu vào Đảng. Đến nay, một số chi bộ sau chia tách ở huyện Mường Nhé như: Chi bộ Bản Chà Nọi II (xã Quảng Lâm), bản Ngã Ba, Nậm Pan 1 (xã Mường Toong), bản Lò San Chải (xã Sen Thượng)... đã phát triển thêm hàng chục đảng viên mới.

Trong thời gian tới, cùng với những giải pháp trên, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, các Đảng bộ cơ sở cần tăng cường công tác chỉ đạo chi bộ từng bước đổi mới nội dung sinh hoạt; coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Chú trọng triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chi bộ sau chia tách, giảm số lượng chi bộ sinh hoạt ghép. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020 hằng năm kết nạp 2.000 đảng viên mới; giảm từ 15-20%/năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có tổ chức Đảng./.

 

CTV  Phong Lâm

.