Phải sửa được 10 "bệnh" của cán bộ, đảng viên

Thứ Năm, 18/05/2017, 08:17 [GMT+7]

Trong cuộc chỉnh đốn Đảng lần này, toàn dân đang mong Đảng sẽ quét sạch được các bệnh của chủ nghĩa cá nhân mà Bác Hồ đã dạy.
 
Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước phải tu tâm, tích đức, phải “vứt bỏ cái ba lô chủ nghĩa cá nhân” trong con người mình.
 

1
Bác Hồ và cán bộ (Ảnh tư liệu)


Ngày 3/2/1969, Bác viết bài cuối cùng về đạo đức, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải “Nâng cao đạo đức cách mạng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác dạy chúng ta phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, vì như Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Địch ở bên trong đáng sợ hơn, nó phá hoại từ trong phá ra”. Và Bác đã coi chủ nghĩa cá nhân như là một thứ rác rưởi, cho nên Bác dặn phải “quét sạch”. Bác đã chỉ bảo cho chúng ta nhận biết những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân để quét sạch nó đi:

“1. Bệnh quan liêu: Quan liêu là bệnh của những người và những cơ quan lãnh đạo xa rời thực tế, xa nhân dân, mất dân chủ. Các ông quan liêu khi được phân công phụ trách ở vùng nào, việc gì thì như ông vua con, tha hồ hạch sách, hoạch họe ở vùng ấy, lĩnh vực ấy. Đối với cấp trên thì xem thường, với cấp dưới cậy quyền lấn át, với quần chúng thì quan cách. Bệnh quan liêu để lại những hậu quả nặng nề đối với Đảng, Nhà nước và xã hội trước hết là tham ô, lãng phí. Do đó muốn diệt trừ sạch tham ô, lãng phí thì cần phải diệt giặc quan liêu”.

“2. Bệnh tham lam: Những người mắc bệnh này đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc. Chữ tôi to hơn chúng ta, không lo mình vì mọi người, mà chỉ muốn mọi người vì mình. Do đó họ tự tư tự lợi, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi”.

“3. Bệnh lười biếng: Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Ngại khó khăn gian khổ. Việc dễ thì tranh lấy của mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm tìm cách trốn tránh”.

“4. Bệnh kiêu ngạo: Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng. Không muốn người khác phê bình mình. Việc gì cũng muốn làm thày người khác”.

“5. Bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, đích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại: Vì tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chứ không ham làm công tác thiết thực”.

“6. Bệnh hữu danh vô thực: Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, xuýt ra nhiều, để làm một báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuyếch”.

“7. Bệnh cận thị: Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt. Những người như thế chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy lợi hại to lớn”.

“8. Bệnh tỵ nạnh: Cái gì cũng muốn bình đẳng, sinh ra hiểu lầm hai chữ bình đẳng, không hiểu rằng người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ, người làm việc nặng thì phải ăn nhiều, người làm việc ít, việc dễ thì ăn ít thế mới bình đẳng”.

“9. Bệnh xu nịnh a dua: Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”.

“10. Bệnh kéo bè kéo cánh: Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đạy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống. Từ đó đi đến bè phái chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Từ sự chỉ bảo trên đây của Bác Hồ, mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra tội ác của chủ nghĩa cá nhân “Sự suy thoái về đạo đức lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Từ sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy phải “đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm”.

Trong cuộc chỉnh đốn Đảng lần này, toàn dân đang mong Đảng sẽ quét sạch được các bệnh của chủ nghĩa cá nhân mà Bác Hồ đã dạy, mà Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đến thành công, để thực hiện lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”./.

 

Theo VOV

.