Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến
Ngày 20/5/1947, Bác Hồ và một số cán bộ đã đến ở và làm việc tại Đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa)
Kỉ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2017), tối 19/5 tại Thái Nguyên, diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ về An toàn khu (ATK) Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 – 20/5/2017).
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đại biểu dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK - Định Hóa. (Ảnh: Quang Khánh/daibieunhandan.vn) |
Các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cách đây 70 năm, ngày 20/5/1947, Bác Hồ và một số cán bộ đã đến ở và làm việc tại Đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) và tiếp theo đó ít lâu sau, các cơ sở cách mạng đã được sớm nhân rộng một cách toàn diện.
Thái Nguyên đã trở thành “Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn”. Và chính nơi đây, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc; các Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Trung Du (1950-1951), Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954)…
Đặc biệt là ngày 6/12/1953 tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh, quyết chiến, quyết thắng, kết thúc 9 năm trường kháng chiến Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Và cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương quan trọng để lãnh đạo đất nước; viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” giúp cán bộ, Đảng viên làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đến nay đích thực vẫn còn nguyên giá trị.
Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng bảo vệ An toàn khu Trung ương, chở che cho cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương.
Phát biểu tại buổi lễ, nhắc lại lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thời gian tới Thái Nguyên cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…
Cùng với đó là thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Gắn với việc bảo vệ, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Thái Nguyên cũng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác cán bộ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên./.
Theo VOV