Ý kiến dư luận về đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:15 [GMT+7]

Dư luận cho rằng, việc Ủy ban Kiểm tra TW đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự là quyết định hợp lòng dân.
 
Tròn 1 năm sau sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung với rất nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và an ninh trật tự, cuối cùng, dư luận đã có câu trả lời về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc này. Ngày 14/4, với việc Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ ở Trung ương và địa phương, dư luận cho rằng, đây là quyết định hợp lòng dân, thể hiện tính nghiêm minh trong xử lý sai phạm.

1
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự và nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.


Theo ông Tô Ngọc Sơn (ở Cụm 3, Thị Trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ Hà Nội), việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự là hoàn toàn chính đáng. Bởi vì, đối với những cán bộ cao cấp làm việc thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, gây ra những thiệt hại về kinh tế cho quốc gia, nếu không bị kỷ luật sẽ làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Ông Sơn cũng cho rằng: thời gian tới, tất cả các dự án muốn làm giàu cho đất nước cần có sự nghiên cứu thật kỹ để vừa đảm bảo được môi trường, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, dân sinh. Từ đó, tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng như vụ Formosa vừa qua.

“Nếu như chúng ta không xử lý thật nghiêm, thì sẽ khó răn đe, làm gương cho những người đang tiếp tục công tác. Thực tế thì sự suy thoái trong Đảng hiện nay cũng rất nhiều, do đó, những vụ việc này cần phải bị phanh phui, đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm minh và hình thức kỷ luật thật thích đáng để làm gương” - ông Tô Ngọc Sơn nói.

Với người dân miền Trung - những người chịu hậu quả trực tiếp từ sự cố môi trường biển thì hơn ai hết, họ mong muốn những người có trách nhiệm, dù đương chức hay đã nghỉ hưu phải bị xử lý vì để xảy ra sự cố. Ông Vũ Việt Thụ ở Diễn Châu, Nghệ An đồng tình khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, những vi phạm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Hồ Anh Tuấn - nguyên Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh là nghiêm trọng.

“Là một người dân miền Trung, tôi thấy thảm họa môi trường biển ở miền Trung một năm nay là rất lớn. Nhiều người đã bỏ quê đi kiếm việc nơi khác. Việc nhà nước làm rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân và đề nghị, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Đây là một kết luận được nhân dân tin tưởng và đồng tình" – ông Thụ bày tỏ.
 
PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hoàn toàn xác đáng, bởi câu chuyện về Formosa đã âm ĩ trong nhân dân. Những hậu quả gây ra của dự án có tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, những người như nguyên Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong vấn đề này. Phải xem xét để có hình thức kỷ luật là hoàn toàn hợp lòng dân.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, qua vụ việc của Formosa Hà Tĩnh, phải xem đây là bài học để thời gian tới chúng ta xây dựng các văn bản pháp luật có những chế tài chung đủ mạnh để xử lý những vụ việc tương tự. Nếu chúng ta cứ chạy theo vụ việc thì rất khó để giải quyết. Do đó, cần đưa ra được quy định chung để  có căn cứ xử lý.

“Để xử lý nghiêm phải có hình thức kỷ luật mạnh hơn nữa, bởi vì theo tinh thần chung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, vấn đề cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, cán bộ Trung ương quản lý - tấm gương của họ rất quan trọng. Khi làm tốt ảnh hưởng tích cực rất lớn tới xã hội và khi họ làm hỏng cũng gây hiệu ứng ngược lại. Vừa qua, Tổng Bí thư có nói: kỷ luật một người không phải để cứu nhiều người mà quan trọng là cứu cả chế độ, cứu cả dân tộc, cứu sự lãnh đạo của Đảng từ đó đáp ứng lòng tin của nhân dân” - ông Bùi Đình Phong nêu ý kiến.

Suốt một năm qua, biết bao nỗ lực nhằm khắc phục sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung đã được triển khai. Tác nhân chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã được chỉ ra, hàng trăm tỷ đồng đã đến với người dân nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại mà họ gánh chịu, nhưng dư luận vẫn chưa yên tâm khi những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm chính chưa được làm rõ.

Chính vì vậy, với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dư luận trông đợi các hình thức xử lý tiếp theo, đồng thời coi đây là bài học đắt giá đối với các cán bộ lãnh đạo khi đặt bút ký một dự án liên quan trực tiếp đến môi trường, dân sinh./.

 

Theo VOV

.