Sáp nhập Sở, ngành: Chấp nhận mất "ghế" để tinh giản bộ máy
Ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng, đã quyết tâm cải cách, tinh giản bộ máy thì không để ảnh hưởng bởi “lợi ích nhóm” và chấp nhận mất “ghế”.
Đề xuất của Bộ Nội vụ về việc sáp nhập một số Sở, ngành trong dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Cần thực hiện đồng bộ, công khai minh bạch
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Nam, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc Bộ Nội vụ đưa ra phương án sáp nhập một số Sở, ngành ở thành phố trực thuộc Trung ương không phải là mới lạ trong công tác quản lý hành chính.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố đã nhiều lần tách, nhập để phục vụ cho công tác chuyên môn ở những điều kiện khác nhau. Và đây là cách làm có nhiều mặt tích cực trong việc giảm bớt cồng kềnh, nặng nề trong bộ máy, xác định lại chức năng, nhiệm vụ đúng với tính chất hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ việc sắp xếp lại bộ máy sẽ giảm được cán bộ, giảm trụ sở, tiền lương… giảm được chi phí mà đồng tiền thuế của dân phải bỏ ra cho bộ máy nhà nước.
Ông Lê Nam |
Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, cũng có nhiều chuyên gia băn khoăn trước dự thảo của Bộ Nội vụ là liệu những kế hoạch sáp nhập tới đây có thực sự đem lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính hay không? Liệu có thực sự tinh giản, gọn nhẹ bộ máy hành chính để giảm vướng mắc, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hay chỉ đơn thuần là phép cộng, trừ cơ học?
Đồng tình với quan điểm này, theo ông Lê Nam, nếu chỉ dừng lại ở cách cơ học thì sẽ không đạt được mục tiêu cũng như mong muốn của chúng ta đặt ta, thậm chí, nếu không có cách làm đúng, không có quyết tâm chỉ đạo và không thực hiện đồng bộ thì có thể lại “đẻ” ra những phức tạp khác như liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ, đến quyền và lợi ích của người lao động. Mặt khác, chỉ là cơ học thì sẽ không làm cho bộ máy mạnh lên mà có thể làm cho yếu đi. Theo đó, cần phải thực hiện đồng bộ với một quy trình, cách làm thực sự công khai, minh bạch, dân chủ, gắn với cơ chế giám sát.
Nhấn mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại sẽ làm cho nhân sự dôi dư hàng loạt, ông Lê Nam cho rằng đây cũng là bài toán cần phải được giải quyết bởi việc này không chỉ chịu tác động của các quan hệ hành chính mà còn chịu rất nhiều các quan hệ tác động. Ông dẫn chứng, ở Thanh Hóa có 27 huyện thị với rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, bây giờ phải cân đối lại việc sử dụng cán bộ chung. Vấn đề đặt ra không phải ở một ngành nữa mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Thanh Hóa phải cân đối trong đội ngũ cán bộ chung gắn với việc sắp xếp lại bộ máy của cả tỉnh.
Về công chức, một câu hỏi lớn đặt ra là có cần thi tuyển cán bộ, công chức trong một thời gian nữa không hay cân đối lại trong số nhân sự được sắp xếp lại? Chính sách cán bộ về hưu sớm, trợ cấp cho họ chuyển ngành, hoặc chuyển sang lao động khác như thế nào? “Như vậy có hàng loạt chính sách cán bộ đặt ra khi thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại, giải quyết được những câu hỏi đó thì mới ổn được, nếu không sẽ phức tạp” – ông Lê Nam nói.
Chấp nhận mất “ghế” để tinh giản bộ máy
Ông Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: “Cần thiết phải rút đầu mối các cơ quan ở cấp tỉnh, đến cấp huyện. Vì trên thực tế, nếu vào UBND tỉnh, huyện sẽ thấy thời lượng cán bộ, công chức dành để làm việc không nhiều nhưng vẫn nói không đủ biên chế và càng ngày phình ra. Tôi đồng tình với việc giảm bớt chức danh lãnh đạo. Về chức năng nhiệm vụ, một số Sở có thể sáp nhập và phối hợp tốt với nhau”.
Ông Hoàng Ngọc Giao. (Ảnh: KT) |
Liên quan đến vấn đề này, một số lãnh đạo ở Sở, ngành TPHCM đánh giá đề xuất hợp nhất của Bộ Nội vụ rất cơ học, và nhấn mạnh hai đô thị loại đặc biệt này phải giải quyết một lượng công việc rất lớn, nên nếu sáp nhập lại sẽ dẫn đến tình trạng quá tải và không bảo đảm cho sự phát triển. Theo ông Hoàng Ngọc Giao, phải làm rõ khâu phân cấp, phân quyền thì khi đó mới rút gọn đầu mối, thu gọn tổ chức mới rõ ràng.
“Việc một số Sở, ngành ở TPHCM phản ánh cũng có lý bởi sáp nhập vào một chẳng qua là hai gộp vào một thì vẫn phình to như vậy. Vì vậy, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, từ phân cấp, phân quyền, chức năng nhiệm vụ của đơn vị được sáp nhập đó. Cần phải phân định rõ hai mảng công việc dịch vụ đó là dịch vụ hành chính công tức là phục vụ trực tiếp nhân dân; hai là làm chính sách, ban hành văn bản quy định quy trình làm việc làm sao tạo môi trường thông thoáng và tốt hơn” – ông Giao nói.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, việc cải cách, tinh giản là hợp lý, nhưng việc này sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người. Song khi đã quyết tâm làm thì không để ảnh hưởng bởi “lợi ích nhóm”, làm một cách khách quan, khoa học, chấp nhận mất các “ghế” đó và giải quyết chế độ chính sách đối với những người nào qua thi tuyển mà không thể ở lại chức vụ. Theo đó, cần làm việc sáp nhập một cách khoa học, minh bạch quá trình thi tuyển chọn cán bộ thì sẽ giải quyết được vấn đề.
Dự thảo của Bộ Nội vụ về việc sáp nhập một số Sở, ngành là vấn đề lớn, cần có sự bàn thảo kỹ càng, thấu đáo. Việc sắp xếp, tổ chức lại cần được thực hiện đồng bộ với một quy trình, cách làm thực sự công khai, minh bạch, dân chủ, gắn với cơ chế giám sát. Song song với hoạt động sáp nhập, cần cân nhắc, sắp xếp lại cán bộ, tinh giản biên chế để đảm bảo hoạt động của cơ quan chuyên môn thông suốt và không tăng thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước./.
Theo VOV