Nhận diện suy thoái trong việc bổ nhiệm "thần tốc" cán bộ
Theo Nghị quyết TƯ 4 khóa XII thì cả người được bổ nhiệm và người có thẩm quyền được bổ nhiệm "thần tốc" đều vi phạm vào những biểu hiện suy thoái
Trong thời gian gần đây, ở một số địa phương đã để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, khiến dư luận cả nước bức xúc. Đó là việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” sai quy định.
Cần nhìn khách quan về vấn đề “bổ nhiệm người thân”
Theo bà Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang, công tác bổ nhiệm cán bộ cần được nghiêm túc nhìn nhận một cách khách quan. Một số trường hợp cán bộ là người nhà của các lãnh đạo mà có năng lực, có trình độ được cơ quan xem xét, cân nhắc, bổ nhiệm đúng quy trình hoặc một số cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất thì cần được quan tâm tạo điều kiện và tiến hành bổ nhiệm sớm.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang |
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, vấn đề bổ nhiệm người nhà, người thân là vấn đề rất bức xúc hiện nay nên chúng ta cần xem xét hết sức cụ thể, không thể vơ đũa cả nắm về vấn đề này. “Người nhà, người thân không có tội, quan trọng là làm việc như thế nào. Có thể nêu một vài ví dụ như ở Mỹ (Bush cha, con), hay ở Singapore, ở Ấn Độ, Triều Tiên… dư luận không hề bức xúc về việc cha truyền con nối. Do đó, vấn đề này cần được xem xét hết sức thận trọng”.
Vấn đề là cán bộ trẻ, người nhà, người thân… có đạo đức, phẩm chất, năng lực như thế nào, đào tạo như thế nào, rèn luyện ra sao, đã trải nghiệm thực tiễn chưa để xứng đáng với công việc được đề bạt.
“Trong số những người được lựa chọn có cùng tiêu chuẩn, tiêu chí cần ưu tiên những con em gia đình có truyền thống cách mạng. Hậu quả lớn nhất là làm thui chột động lực phấn đấu của cán bộ”- ông Hà nói.
Bổ nhiệm “thần tốc”: Biểu hiện của sự suy thoái
Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ cũng cần phải có 3 độ tuổi, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, có uy tín. Tuy nhiên, vấn đề lâu nay dư luận quan tâm, bức xúc là một số trường hợp bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm “thần tốc” sai quy định.
“Theo tôi đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì cả người được bổ nhiệm và người có thẩm quyền được bổ nhiệm đều vi phạm vào những biểu hiện suy thoái”- bà Hồng nói.
Cụ thể, đối với người có thẩm quyền bổ nhiệm thì vi phạm vào một số nội dung trong các biểu hiện suy thoái như: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi và biểu hiện thao túng về công tác cán bộ. Rồi biểu hiện sử dụng quyền lực được giao để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh phải) |
Còn đối với người được bổ nhiệm thì vi phạm một số biểu hiện suy thoái đạo đức như: chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Đây là biểu hiện của tham vọng chức quyền, thậm chí là tìm cách vận động, tác động tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân mình một cách không lành mạnh.
Lâu nay trong bổ nhiệm người ta hay nói về quy trình. Quy trình không có tội, không có khuyết điểm. Vừa qua, Ban Tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành đã tìm nhiều cách để hoàn thiện các quy trình một cách chặt chẽ, dân chủ, công khai và chọn cho đúng người. Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, vừa rồi, nhiều trường hợp nói đã thực hiện đúng quy trình, nhưng là chưa đúng quy trình, làm tắt, làm sai hoặc làm méo mó quy trình.
Làm giảm lòng tin của dân với chế độ
“Ví dụ, trước cuộc bỏ phiếu, có nhiều cuộc họp kín, trò chuyện, thủ thỉ… làm méo mó quy trình, không còn là quy trình nguyên bản. Trước đây, quy trình không nhiều như thế, chọn ai đúng người đó, đúng người đúng việc. Còn bây giờ, qua rất nhiều quy trình nên mới có trường hợp “con voi chui lọt lỗ kim”, làm sai lệch bản chất vấn đề. Do đó, cái gốc của vấn đề vẫn là suy thoái nên phải chống suy thoái”- ông Hà nhấn mạnh.
Việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” sai quy định trước hết sẽ gây dư luận không tốt đến cán bộ, đảng viên ở cơ quan đó. Sau đó làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể lãnh đạo và cá nhân vị lãnh đạo có thẩm quyền quyết định, xa hơn là ảnh hưởng đến tổ chức Đảng, làm giảm lòng tin đối với cá nhân người được bổ nhiệm, sau đó là chế độ.
Việc bổ nhiệm sai quy định cũng dẫn đến mất đoàn kết nội bộ nếu có sự phản đối. Nếu không có sự phản đối lại là biểu hiện đoàn kết xuôi chiều, ngại đấu tranh, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
“Một hệ quả nữa là gây mất động lực phấn đấu trong cán bộ trước hết là ở cơ quan đó, khi người có năng lực, trình độ không được quan tâm, không được tạo điều kiện, trong khi người không đủ điều kiện, lại được bổ nhiệm “thần tốc”. Từ đó tạo ra một số cán bộ không có năng lực chuyên môn hoặc uy tín thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc ngay tại cơ quan, đơn vị đó”- Bà Lê Thị Thu Hồng phân tích./.
Theo VOV