Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về hiện tượng "cả họ làm quan"
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nếu thanh tra đồng bộ, toàn diện thì sẽ phát hiện nhiều nơi có hiện tượng "cả họ làm quan".
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh việc người thân trong gia đình Bí thư và Phó Bí thư huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.
Cần thanh tra toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ
PV: Ngoài 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả họ làm quan” như Bộ Nội vụ công bố mới đây, thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện thêm các địa phương khác có hiện tượng này. Theo ông, con số này trong thực tế có nhiều hơn?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. |
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi nghĩ con số này sẽ không dừng lại ở đây. Sau khi Bộ Nội vụ công bố 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả họ làm quan”, gần đây lại phát hiện thêm huyện Kim Thành (Hải Dương) đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy đều có đông người nhà, người thân làm trong các cơ quan của huyện hoặc giữ các chức vụ quan trọng.
Hay như huyện An Dương (Hải Phòng) một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng có 6 anh, chị, em ruột, con trai, con dâu giữ các chức vụ quan trọng trong cùng cơ quan. Nếu chúng ta tiến hành kiểm tra, thanh tra một cách đồng bộ, toàn diện thì chắc chắn sẽ phát hiện nhiều đơn vị, địa phương có hiện tượng này.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã giao Bộ Nội vụ tiếp tục kiểm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có giám sát vấn đề này. Tôi cho rằng cần phải có đợt kiểm tra, thanh tra một cách toàn diện và đồng bộ hơn nữa.
PV: Ngày xưa chúng ta cũng có những thời kỳ “cha truyền con nối”, trên thế giới cũng có một số nước hiện nay giữ truyền thống này. Tại sao ở Việt Nam gần đây khi nhắc tới cụm từ “cả họ làm quan”, “con ông cháu cha” thì dư luận lại bức xúc, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước kia, chế độ của chúng ta là chế độ quân chủ, cha truyền con nối. Nhưng hiện nay chúng ta đang ở chế độ dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa, rõ ràng thể chế đã khác nên để vào các cương vị lãnh đạo, các vị trí chủ chốt của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp thì phải thông qua bầu, được nhân dân trực tiếp bầu hoặc theo cơ chế đại diện với hình thức dân chủ tuân theo những quy định nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, những đồng chí cán bộ có con em, anh em nếu thực sự có tài năng thì vẫn có thể được bầu, chứ không phải nhất thiết là không có nhưng họ phải là những người thực sự tài năng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
PV: Từ những vụ bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm cấp phó tràn lan hay bổ nhiệm theo kiểu “con ông cháu cha”, dư luận đặt nghi vấn có hay không những tiêu cực, tham nhũng để sắp đặt những “chiếc ghế” cho những “vị quan” không xứng đáng? Có hay không việc những cá nhân nắm giữ chức vụ cao, lợi dụng quyền lực để chi phối quá trình bổ nhiệm nhân sự? Quan điểm của ông về những ý kiến trên?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Từng vụ việc cụ thể ở các địa phương, đơn vị sẽ do cơ quan chức năng có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, ở những vụ việc trên dù thế nào chăng nữa thì đều là bất bình thường. Các hiện tượng trên cho thấy cấp ủy Đảng, chính quyền ở đó chưa thực hiện đúng quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ. Vì vậy, cần phải thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý, chấn chỉnh một cách mạnh mẽ hơn.
Đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ chưa được phát huy
PV: Việc thực hiện chưa đúng quy trình chỉ được phát hiện khi báo chí và cơ quan cấp trên vào cuộc. Ông có cho rằng việc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ chưa được phát huy?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng là như vậy. Nếu ở các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền ở các đơn vị, địa phương đó phát huy một cách dân chủ; cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo thực hiện đúng quy định, đường lối, không có chuyện nể nang, né tránh, xuê xoa chắc chắn sự việc sẽ khác. Rõ ràng tính đấu tranh trong nội bộ, việc nể nang, né tránh, không dám chịu trách nhiệm còn xảy ra ở các đơn vị, địa phương đã nêu tên.
PV: Theo ông, những hình thức xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức về công tác cán bộ thời gian qua có “mạnh tay” và gắn trách nhiệm của người đứng đầu?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Bất cứ sự việc gì xảy ra, đặc biệt là công tác cán bộ, tổ chức cán bộ thì vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Cùng với trách nhiệm người đứng đầu, tập thể cấp ủy Đảng cũng như chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.
Vừa qua, khi có sự việc xảy ra cũng đã có xử lý, như gần đây ở Bình Định, đồng chí Phó Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã phải chịu hình thức xử lý về những khuyết điểm, vi phạm trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ không đúng quy định. Thời gian tới, chúng ta phải thực sự tập trung vào làm nghiêm túc hơn.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra cụ thể những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện bằng việc né tránh, thờ ơ, vô trách nhiệm, nể nang, xuê xoa, không dám đấu tranh trong tổ chức Đảng; lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm, bố trí những người thân, người nhà, hoặc những người không phù hợp vào các chức vụ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước. Những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, “cả họ làm quan” có những biểu hiện rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.
PV: Bộ Chính trị vừa có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước thay vì 3 bước như trước đây. Theo ông, quy trình 5 bước có thực sự khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ vốn gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc bổ sung, sửa đổi quy trình trong công tác bổ nhiệm cán bộ là cần thiết vì nó cũng có lỗ hổng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng cuối cùng vẫn do con người. Trên thực tế, nếu quy trình trước được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thì sẽ không xảy ra hiện tượng trên.
Nếu người lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện không đúng quy trình, lồng ý kiến chủ quan, không đảm bảo khách quan, dân chủ thì thiếu xót vẫn cứ xảy ra.
Người lãnh đạo nghiêm túc, khách quan, xét thấy con cháu mình chưa đủ khả năng, năng lực đảm nhận vị trí thì họ sẽ không đồng ý việc bổ nhiệm này; bên cạnh đó, các đồng chí trong Ban chấp hành, Thường vụ thấy cần phải làm nghiêm túc, không nể nang, né tránh, không ngại va chạm thì chắc chắn việc thực hiện quy trình sẽ đúng.
Theo tôi, để hạn chế tình trạng "cả nhà làm quan", chọn người nhà thay cho người tài, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan công quyền phải thực sự gương mẫu để nêu gương./.
Theo VOV