Chú trọng phát triển Đảng viên là nông dân trong đồng bào các dân tộc thiểu số
Điện Biên TV - Hầu hết đảng viên là nông dân trên địa bàn tỉnh, đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, họ là những hạt nhân tiêu biểu vận động nhân dân trong các phong trào ở địa phương, góp phần quan trọng vào xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, vào sự phát triển của mỗi địa phương.
Là một tỉnh miền núi, biên giới với 130 xã, phường, thị trấn (trong đó có 29 xã biên giới, hơn 90 xã đặc biệt khó khăn); 1.813 thôn, bản, tổ dân phố; có 19 dân tộc với 55 vạn dân (trong đó có trên 80% dân tộc thiểu số sinh sống ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới) trình độ dân trí đồng bào còn rất nhiều hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 là 48,14%.
Có thể thấy, Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống Chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên là nông dân trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Vượt lên những rào cản khó khăn ấy, với phương châm: Làm tốt công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở, là một yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với một tỉnh miền núi, biên giới khó khăn như Điện Biên.
Ông Quàng Văn Tấn (người đầu tiên bên trái) Bí thư Chi bộ bản Củ, xã Ẳng Nưa (Mường Ảng) hướng dẫn quần chúng là nông dân ưu tú viết hồ sơ xin vào đảng |
Do vậy, công tác phát triển Đảng viên là nông dân trong đồng bào các dân tộc thiểu số, được coi là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng đảng ở cơ sở, để xóa thôn, bản còn "trắng" tổ chức đảng và đảng viên, từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh, xây dựng nông thôn mới bền vững, mà Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Hiện nay toàn Đảng bộ có 22.924 đảng viên ở cơ sở, đây chủ yếu là lực lượng Đảng viên nông dân ở khu vực nông thôn.
Nhiều năm qua, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh đã quan tâm, chú trọng đến công tác kết nạp đảng viên mới, nhất là đảng viên là nông dân ở khu vực nông thôn, cấp ủy các cấp luôn coi trọng về chất lượng, từng bước trẻ hóa đội ngũ đảng viên nông thôn; gắn công tác phát triển đảng viên với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi địa phương.
Do vậy, công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Trước hết là chuyển biến về nhận thức của mỗi cấp ủy về công tác phát triển đảng viên, từng bước quan tâm hơn đến kết nạp đảng viên là hội viên nông dân, nhằm xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Với sự nỗ lực của các đảng bộ, năm 2016 toàn Đảng bộ đã kết nạp được 1.570 đảng viên là người dân tộc thiểu số, có 845 đảng viên là nông dân, làm tốt công tác này là các Đảng bộ: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, huyện Điện Biên, Tủa Chùa...
Đồng chí Giàng Trùng Lầu, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Tuần Giáo cho biết: Các đồng chí đảng viên là nông dân trên địa bàn huyện luôn là những hạt nhân chính trị tích cực, tiêu biểu, gương mẫu trong các phong trào thi đua, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện, Nghị quyết đảng bộ cơ sở đã đề ra ở khu vực này. Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện sẽ tăng cường công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng bộ huyện nói chung và công tác xây dựng chi bộ khối nông thôn nói riêng; coi đây là một giải pháp quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với khu vực nông thôn. Năm 2016 đảng bộ huyện đã kết nạp được 223 đồng chí đảng viên là người dân tộc thiểu số, 157 đảng viên là nông dân.
Song thời gian qua, công tác phát triển đảng viên là nông dân của các đảng bộ, chi bộ khu vực nông thôn vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định, đó là: Hội viên nông dân được kết nạp vào Đảng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ở cơ sở, chưa đáp ứng được phong trào xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương... nguyên nhân chủ yếu là do các cấp ủy Đảng còn yếu, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao nhận thức về Đảng để quần chúng nông dân phấn đấu vào Đảng, để quần chúng hiểu được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi bộ bản Ten Muông xã Nặm lịch, huyện Mường Ảng (Điện Biên) họp bàn công tác phát triển đảng viên trong hội viên Hội nông dân |
Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên ở một số cấp ủy chưa được chú trọng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, cùng với đó là, vai trò tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người đảng viên mà quần chúng nông dân phấn đấu noi theo. Đây là những vấn đề sẽ được cấp ủy các cấp chú trọng, quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Chú trọng phát triển Đảng viên là nông dân, là một bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ xã, phường, thị trấn khu vực nông thôn, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, các đảng bộ trực thuộc tỉnh đảng cần xác định việc kết nạp đảng viên là hội viên nông dân là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hằng năm. Muốn thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên khu vực nông thôn, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải tiến hành xây dựng kế hoạch, rà soát để có những mục tiêu, giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi dưỡng, giáo dục, tạo nguồn kết nạp đảng viên là nông dân trên địa bàn.
Thời gian tới, các cấp ủy sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kết nạp đảng viên, trong đó có đảng viên nông dân, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từng bước chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, tạo sự đồng thuận tích cực giữa ý Đảng hợp và lòng dân, từ đó gây hiệu ứng tích cực, nhằm thu hút quần chúng nông dân đến với tổ chức Đảng./.
CTV - Khánh Toàn