Bổ nhiệm thần tốc bà Quỳnh Anh: Cần minh bạch về tài sản "khủng"
Đây cũng là cách chứng minh sự công tâm của những người có trách nhiệm, cũng là trả lại sự công bằng cho bà Quỳnh Anh nếu bà này không tham nhũng.
Trong vụ bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và đặt nhiều câu hỏi là về khối tài sản “khủng” của bà Quỳnh Anh.
Kết luận trong Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 30/3 cho rằng, về việc xác minh tài sản đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, chưa phát hiện được bà Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng. Đến thời điểm thanh tra, bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy, chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh.
Theo hồ sơ công tác, bà Trần Vũ Quỳnh Anh có hợp đồng lao động tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2010 đến tháng 12/2010; hợp đồng lao động làm công việc thủ quỹ, văn thư, tại Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng – Sở Xây dựng từ tháng 01/2011 đến tháng 03/2012; cán bộ, rồi Phó phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản từ tháng 4/2012 đến ngày 23/9/2016.
Về khối tài sản "khủng" của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, dư luận đang rất mong tỉnh Thanh Hóa có câu trả lời xác đáng. |
Hẳn là bà Quỳnh Anh có 5 năm làm công chức trước khi xin thôi việc tại Sở Xây dựng Thanh Hóa. Vậy trong 5 năm qua, việc xác minh tài sản của cán bộ công chức, trong đó có trường hợp bà Quỳnh Anh đã không được làm một cách nghiêm túc?
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản mang tính “chiếu lệ” hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập trong kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Vì thế, muốn đấu tranh với nạn tham nhũng kịp thời, có kết quả thì phải kiểm soát được thu nhập của mọi người dân, trong đó có kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Khi công chức kê khai tài sản, thu nhập thì phải có sự kiểm tra, xác minh lại về việc kê khai của họ.
“Việc xác minh lại sự trung thực của người kê khai tài sản hiện chưa làm được. Người khai cứ khai, nếu không có vấn đề thì không sao, khi có mới xem xét lại việc kê khai, nhưng khi đó mọi việc cũng chỉ là hình thức. Như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, đến khi có chuyện thì không kiểm tra được vì bà này đã nghỉ công chức. Vì thế cần sớm hoàn thiện các quy định, cơ chế về kê khai và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, viên chức một cách thiết thực, tránh hình thức”- ông Chức nhấn mạnh.
Trong kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: “Trong quá trình khai lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên và khai phiếu bổ sung đảng viên hàng năm, bà Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm về kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực, còn vi phạm quy định không "khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình".
Vậy để xảy ra việc công chức kê khai không trung thực về lý lịch bản thân, về hoàn cảnh kinh tế của bản thân thì ai sẽ chịu trách nhiệm và việc xử lý sẽ như thế nào? Dư luận đang rất mong tỉnh Thanh Hóa có câu trả lời xác đáng.
Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, “đến thời điểm thanh tra, bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy, chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh”. Kết luận như vậy đồng nghĩa với việc khi một người thôi công chức, thì không thể kiểm tra được tài sản cho họ kể cả tài sản của họ có được một cách “bất thường” trong thời gian họ làm công chức. Nếu như vậy đã tạo ra “lỗ hổng” quá lớn trong việc kiểm tra tài sản của công chức, tạo môi trường và điều kiện cho tội phạm tham nhũng có đất hoành hành.
Vì thế, cần có cơ chế để kiểm tra tài sản của cán bộ công chức, kể cả khi họ đã thôi công chức nếu có dấu hiệu về tài sản họ có được một cách không minh bạch trong thời gian họ đương chức. Có như vậy mới ngăn chặn được mánh “hy sinh bản thân” để bảo vệ tài sản tham nhũng của những cán bộ, công chức tham nhũng.
Hiện tại, đối với trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, chưa thể kết luận được khối tài sản “khủng” của bà này có được do đâu, nhưng hiện nay dư luận đang rất quan tâm và đặt nhiều nghi vấn về đến nguồn gốc số tài sản này. Thiết nghĩ, kể cả khi bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã thôi công chức, nhưng mọi việc cũng cần làm rõ ràng minh bạch, nhất là về vấn đề tài sản đang còn nhiều câu hỏi trong dư luận. Đây cũng là cách chứng minh sự công tâm của những người có trách nhiệm, đồng thời cũng là trả lại sự công bằng cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong vấn đề nguồn gốc tài sản nếu thực sự đây không phải là tài sản tham nhũng.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nên làm sớm việc này để trả lời câu hỏi của dư luận trong điều kiện xã hội minh bạch thông tin hiện nay./.
Theo VOV