"Luật nào, chính sách nào cũng lách được hết"

Thứ Hai, 20/03/2017, 14:42 [GMT+7]

“Quy định dự án 1000 tỷ phải giải trình Quốc hội nhưng chia ra làm 2 gói 500 tỷ thì không phải ra...Luật nào, chính sách nào cũng lách được hết".
 
Sáng nay (20/3), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa luật này, các ý kiến đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trên hai mặt chủ yếu là về mặt pháp luật và về công tác quản lý.

Do luật hay do thực hiện?

Là người phát biểu đầu tiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi: Qua các kỳ họp Quốc hội gần đây vẫn có đánh giá nợ công tăng nhanh, áp ực trả nợ trong ngắn hạn lớn, nợ chính phủ vượt trần. Vậy luật này có giải quyết được thực trạng hiện nay không? Từ khi có luật 2009 đến nay thì nợ công tăng nhanh, vì sao? Do tổ chức thực hiện luật hay bản thân luật có vấn đề và nếu có thì ở chỗ nào, cần giải quyết ra sao?

Băn khoăn về cách tính nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng đặt vấn đề: “Cần làm rõ để dư luận, cử tri và đại biểu hiểu rằng nợ công như thế nào thì đáng lo. 200% như Nhật, 160% như Mỹ, hay 60% thì đáng lo, vì sao?”
 

2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3 (Ảnh: Quốc hội)


Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh là đúng và trước hết do điều hành với sự tác động của nhiều yếu tố. Mặc dù thực hiện tăng trưởng GDP không đạt nhưng vẫn phải thực hiện yêu cầu đảm bảo mục tiêu khác đã đề ra như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết Trung ương và Quốc họi nên thời gian dài giữ bội chi rất cao.

“Bàn nợ công nhưng phải bàn cả khả năng của nền kinh tế. Dự báo mấy năm vừa rồi chả năm nào đúng cả, tỷ lệ GDP, giá trị GDP năm nào cũng trật. Giai đoạn 2011-2013 chúng ta huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao nên nghĩa vụ trả nợ cao lên, dồn áp lực trả nợ vào những năm từ 2014 đến 2017. Vừa qua ta cơ cấu lại nợ rất tốt, giảm áp lực trả nợ” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu nói: “Nợ công tăng nhanh do nguyên nhân điều hành, đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết tình trạng trên không phải chỉ do luật này mà chủ yếu ở Luật đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Nếu trước kia vay nợ rất thoải mái, đầu tư dàn trải thì vừa qua kế hoạch đầu tư trung hạn xác định rất rõ và kiểm soát được hết vay bao nhiêu, đầu tư lấy nguồn từ đâu, chủ trương đầu tư thế nào thì mới thực hiện” – ông Thu nêu ý kiến.

Nhấn mạnh cần khen – chê đúng công – tội một cách khách quan, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua là sự đột phá. Bên cạnh đó là đảm bảo an sinh xã hội cũng như giữ giá đồng tiền tạo niềm tin rất lớn. Do đó, các báo cáo phải làm sao cung cấp thông tin để các đại biểu hiểu rõ trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Quốc hội và Chính phủ.

“Quy định dự án 1000 tỷ phải giải trình Quốc hội nhưng chia ra làm 2 gói 500 tỷ thì không phải ra Quốc hội. Vậy luật có lỗ hổng không? Nếu không có thì làm sao lách được? Luật nào, chính sách nào cũng lách được hết. Còn Quốc hội, cha ông nói “phân chia” thì ta chia rồi mới phân nên lúng túng, bị động” – ông Võ Trọng Việt đặt vấn đề và bày tỏ quan điểm thảo luận cần phải thấy trách nhiệm của mình để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Có đưa nợ của DNNN vào nợ công?

Liên quan đến phạm vi, Luật hiện hành quy định nợ công gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính cho rằng quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.

Đối với vay nợ của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh là theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy, Bộ Tài chính không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.
 

1
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải


Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày cũng cho thấy còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công song cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, cần tính đến xử lý hậu quả khi không đưa nợ của DNNN vào nợ công, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, nếu mở rộng phạm vi thì tính nguy hiểm rất cao: “Mở ra thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng xem xét mặt lớn hơn, rằng ổn định kinh tế, tính khả thi thì khoanh rõ phạm vi với 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng nên các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và giải trình rõ, thuyết phục trên tinh thần làm sao siết chặt quản lý nợ công.

“Quan điểm của Thường vụ là làm sao quản lý thống nhất, hạn chế cắt khúc và cần thiết trong luật có quy trình quy định cụ thể từ ký kết và đảm bảo nghị quyết của Trung ương- ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và yêu cầu cần có đánh giá tác động của luật này, cung cấp thông tin đầy đủ để đại biểu Quốc hội thảo luận khi dự thảo được trình Quốc hội./.

 

Theo VOV

.