Chủ tịch Quốc hội: "Không thể để Điện Biên nghèo mãi"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việt Nam chỉ có một địa danh Điện Biên Phủ thì không thể để Điện Biên nghèo mãi.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Bắc, ngày (13/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên. Tham dự buổi làm việc có Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ và lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà tỉnh Điện Biên. |
Theo Bí thư tỉnh Điện Biên Trần Văn Sơn, Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc có đường biên giới dài hơn 400 km tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; 130 xã, phường, thị trấn, trong đó 110 xã khó khăn và giáp biên giới; có 19 dân tộc sinh sống.
Tổng thu ngân sách địa phương năm 2016 đạt 7.425 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán giao. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mức thu ngân sách trên địa bàn 1.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, Điện Biên vẫn là tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, nguồn vốn đầu tư phát triển chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.
Bí thư tỉnh Điên Biên Trần Văn Sơn đề nghị với Chủ tịch Quốc hội quan tâm, giám sát việc bố trí số vốn còn thiếu hơn 596 tỷ đồng để Điện Biên đầu tư dứt điểm dự án hạ tầng trọng điểm tại các khu tái định cư thủy điện Sơn La; giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc trao trả dân di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé.
Bí thư tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi nâng mức ưu đãi, hỗ trợ trong chính sách thu hút đầu tư đối với các tỉnh Tây Bắc; nâng cấp Sân bay Điện Biên Phủ; Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên và Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh huyện Mường Nhé, vẫn chưa được phân bổ vốn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nhiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với những khó khăn, đồng thời chúc mừng những kết quả mà tỉnh Điện Biên đã đạt được. Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Điện Biên có nhiều lợi thế nổi trội, đó là di tích lịch sử Điện Biên Phủ, nơi cả thế giới ngưỡng mộ; lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, có tập đoàn đa dạng sinh học các loại cây, đối tượng con và có cánh đồng lúa Mường Thanh rộng lớn; kỹ năng ẩm thực của đồng bào dân tộc rất đặc sắc. Nếu cộng những lợi thế này, sẽ tạo ra một Điện Biên rất riêng.
“Mặc dù trước mắt chúng ta khó khăn, nhưng một tương lại nếu định dạng đúng, chúng ta sẽ có một Điện Biên trong 63 tỉnh thành phố hoàn toàn khác. Phải chăng chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế hiệu quả có bản sắc”, ông Nguyễn Xuân Cường nêu ý kiến.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi làm việc. |
Cũng liên quan đến nội dung này, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, để thu hút hơn nữa du khách đến với Điện Biên thì việc mở sân bay là hết sức cấp thiết; đồng thời cần điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc để bảo vệ một cách tốt nhất các di tích quốc gia
“Bảo tàng Điện Biên và các di tích khác chưa đủ để phản ánh tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi nghĩ đây là biểu tượng chiến thắng không chỉ của Việt Nam mà còn là biểu tượng chiến thắng của nhân loại, chiến thắng trước cái ác và khát vọng độc lập tự do. Khách nước ngoài khi đến đây cũng có niềm tự hào về điều đó. Chúng ta đã có cố gắng nhưng chưa xứng tầm với chiến thắng Điện Biên Phủ”, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền cho người dân trong mọi lĩnh vực, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng mong muốn, Quốc hội, Chính phủ đầu tư các phương tiện phát thanh, truyền hình cho bà con thôn bản.
Về những bất cập trong việc tái định cư, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tỏ ra băn khoăn về tính sinh kế lâu dài của người dân và cho rằng, trách nhiệm này không phải của nhà nước mà của chính của ngành điện phải có trách nhiệm lâu dài với người dân.
“Không phải anh đưa dân ra, có hiệu quả cao như thế rồi lại kêu gọi nhà nước lo cho việc này. Tôi nghĩ, sau khi trừ hỗ trợ mình nộp ngân sách nhà nước hoặc nếu có thì phải ưu tiên bà con mua cổ phần để hàng năm nhận cổ tức, như vậy mới bền được”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả mà Điện Biện đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện Điện Biên đang có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất nước và điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng thiếu, nhưng Điện Biên cũng có lợi thế về tiềm năng để phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Điện Biên có thể nghèo về kinh tế, nhưng không nghèo về văn hóa, điều đáng tiếc là tỉnh này chưa có thiết chế để duy trì, phát triển bản sắc riêng có này.
Với mong muốn của các dân tộc đang sinh sống tại đây đưa Điện Biên phát triển nhiều hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Việt Nam chỉ có một địa danh Điện Biên Phủ thì không thể để Điện Biên nghèo mãi.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo lãnh đạo tỉnh này phải bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, các chính sách an sinh xã hội. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Điện Biên phải chú ý quảng bá du lịch và thực hiện các mô hình trong phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
“Điện Biên cũng có những nét tương đồng với Lai Châu hay các tỉnh Tây Bắc, nhưng Điện Biên là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, du lịch di tích lịch sử, sinh thái và hội tụ các dân tộc đặc sắc, đây là đặc điểm để khai thác du lịch văn hóa phù hợp. Vì thế tỉnh phải thực hiện đa dạng các loại hình du lịch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các đại biểu tại buổi làm việc. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo, Điện Biên xây dựng nông thôn mới kết hợp với xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cho đồng bào phát triển sản xuất, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới nhằm ngăn chặn những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; rà soát chính sách an sinh xã hội để chăm lo tốt hơn cho người dân; ngăn chặn tệ nạn vượt biên trái phép cũng như các tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy…
Về các kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành hữu quan, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời cho đúng chủ trương, đường lối, chính sách. Bám sát việc thực hiện kết luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã làm việc, chỉ đạo tại Điện Biên.
Về cơ chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội giao cho Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp cụ thể những kiến nghị của các tỉnh miền núi để kịp thời có những điều chỉnh về mặt pháp luật.
Với đề nghị mở mở rộng sân bay, Chủ tịch Quốc hội nghị thực hiện theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ, theo quy hoạch hàng không. Song, khi chưa có đường cao tốc thì đầu tư cho hàng không đối với Điện Biên là vô cùng cần thiết, khi chưa làm được to thì cũng phải nâng cấp sân bay hiện có.
Vấn đề ngân sách đang còn thiếu cho các dự án tái định cư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách xem xét lại vấn đề này, đồng thời Bộ Tài chính cũng làm đề xuất để Chính phủ làm tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trả lại tiền cho công tác tái định cư.
Cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng đã kết thúc chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác tại hai tỉnh miền núi phía Bắc là Lai Châu và Điện Biên./.
Theo VOV