Tổng Bí thư Trường Chinh - tấm gương sáng về xây dựng chỉnh đốn Đảng

Thứ Năm, 09/02/2017, 09:02 [GMT+7]

Thái độ tự phê bình và phê bình ở Tổng Bí thư Trường Chinh là bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã nêu tấm gương sáng về lối sống trong sạch, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân. Đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng chí Trường Chinh để lại dấu son chói lọi về thái độ tự phê bình và phê bình, thái độ tôn trọng nguyên tắc làm việc, tính nghiêm túc và cẩn thận đến từng chi tiết.
 

1
Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986 (Ảnh tư liệu)


Với những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Trường Chinh đã để lại nhiều bài học quý giá cho giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 60 năm không ngừng nghỉ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều cống hiến trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Là nhà lý luận kiệt xuất của Đảng, trên cương vị Tổng Bí thư từ năm 1941, đồng chí Trường Chinh đã góp phần nâng cao tầm thế của Đảng về phương diện lý luận. Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nghiêm túc, đồng chí Trường Chinh vừa giữ vững quan điểm có tính nguyên tắc nhưng đồng thời vận dụng hết sức sáng tạo. Sáng tạo bước ngoặt trong tư duy lý luận của đồng chí Trường Chinh thể hiện rõ trong quá trình khảo sát, nghiên cứu và quyết tâm đổi mới thể hiện trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đề ra mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị chính là hiện nay trong Đảng có bộ phận cán bộ không chú tâm nghiên cứu lý luận. Vì không chú tâm nghiên cứu lý luận về tư tưởng Chủ nghĩa Mác Lê-nin dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Nếu không ngăn chặn được sự suy thoái đó sẽ làm mất bản chất cách mạng, mất vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng.

“Việc nghiên cứu đồng chí Trường Chinh giai đoạn hiện nay là phải nâng cao trình độ trí tuệ, trình độ lý luận, củng cố nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngăn chặn cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự phai nhạt lý tưởng, không tin tưởng vào con đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội… trong giai đoạn hiện nay. Đó là cống hiến quan trọng của đồng chí Trường Chinh về xây dựng Đảng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Với tư cách Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã uốn nắn những tư tưởng trì trệ, bảo thủ, chậm đổi mới. Trên rất nhiều bài báo của mình, đồng chí thường có những nhắc nhở, cảnh báo. Hoặc khi dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí đã từng mạnh dạn chỉ ra những khiếm khuyết trong nhận thức, tư duy của cán bộ đảng viên để kịp thời định hướng.

Đóng góp về công tác xây dựng Đảng của Tổng Bí thư Trường Chinh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay còn là câu chuyện nói và làm. Điều này không chỉ thể hiện trong các bài phát biểu, bài nói chuyện, báo cáo của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương 6,7,8,9 (khóa V) mà còn thể hiện cụ thể bằng tấm gương của đồng chí, một lãnh tụ của Đảng nhưng cuộc sống khiêm tốn, giản dị, hòa mình với quần chúng và luôn luôn tiên phong đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: "Đồng chí Trường Chinh là tấm gương sáng trong giáo dục Đảng viên, gắn vào Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay để lại nhiều ý nghĩa. Đó là tấm gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm; Tấm gương về phong cách sống giản dị, cần kiệm; Tấm gương đạo đức của người cộng sản kiên trung. Gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng chí Trường Chinh là tấm gương sáng về tính nêu gương, về tính tiên phong của người cán bộ, đảng viên”.

Một điểm đáng chú ý nữa ở đồng chí Trường Chinh chính là tính kỷ luật, tính Đảng rất cao. Ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân và sẵn sàng nhận về mình trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Với sai lầm về cải cách ruộng đất, đồng chí Trương Chinh tự nhận trách nhiệm và xin từ chức. Hay ở thời điểm năm 1986, cũng với tinh thần trách nhiệm, cộng với uy tín chính trị, đồng chí Trường Chinh tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư thay cho đồng chí Lê Duẩn mới qua đời. Đây vừa là uy tín chính trị nhưng đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước đất nước, trước số phận của mỗi con người.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: "Đồng chí Trường Chinh là người có đóng góp rất lớn về trí tuệ, lý luận, kinh nghiệm xây dựng chỉnh đốn Đảng. Khi có khuyết điểm, dù là của tập thể hay cá nhân, đồng chí tự thấy phải phê bình, tự thấy trách nhiệm. Ông là một trong những học trò xuất sắc, tiêu biểu của Bác Hồ, thực hiện liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì Đảng, vì dân”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều cống hiến trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Những luận điểm lý luận sâu sắc ở tầm vĩ mô và hoạt động thực tiễn phong phú của Tổng Bí thư Trường Chinh đã đặt nền móng cho quá trình đổi mới. Đồng thời, thái độ tự phê bình và phê bình, câu chuyện nói và làm, tính lỷ luật, tính Đảng rất cao… đã trở thành bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay./.

 

Theo VOV

.