Quý trọng thời gian từ những ngày đầu năm
Ngay ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống hành chính.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Thủ tướng yêu cầu phải chấm dứt tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương không được dự lễ hội nếu không được phân công; cán bộ, công chức, viên chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính, không được sử dụng xe công đi lễ hội...
Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017. |
Sở dĩ Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt về vấn đề nêu trên, là bởi trong những năm trở lại đây, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, không khí làm việc tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp thường rất chệch choạc, uể oải. Không ít cán bộ, công chức, viên chức đi làm cũng như không, bởi vẫn hồ hởi ăn chơi, hết đi ăn đầu năm ở nhà này, lại túm tụm buôn chuyện ở nhà khác.
Các doanh nghiệp lo lắng vì sợ hết Tết mà người lao động không quay trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Nhiều cơ quan vắng như chùa bà đanh, thậm chí đóng cửa nghỉ làm, bởi “anh chị em” kéo nhau đi lễ, cầu tài, cầu lộc đầu năm. Năm ngoái, một cơ quan ở Thanh Hóa cũng đã bị xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo vì cả cơ quan đóng cửa đi lễ chùa đầu năm.
Nếu tính cả thời gian rậm rịch trước nghỉ Tết và “tháng ăn chơi” sau Tết, thì có lẽ trong gần hai tháng tốc độ làm việc của người lao động đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo một nghiên cứu gần đây về năng suất làm việc của các quốc gia thì người Singapore có năng suất làm việc gấp 23 lần người Việt Nam. Tại sao lại như vậy, trong khi người Việt Nam và người Singapore đều là người châu Á, đều thông minh, nhanh trí? Phải chăng là do kỷ luật, kỷ cương làm việc của quốc gia ấy duy trì tốt hơn chúng ta. Phải chăng tinh thần, thái độ làm việc của họ chuyên nghiệp hơn chúng ta?...
Hiện nay, nước ta đã hội nhập kinh tế toàn cầu. Chúng ta thực chất đang trong một cuộc đua về phát triển, nếu chúng ta tụt lại trong cuộc đua này, thì sẽ có nguy cơ ngày càng bị tụt lại sâu hơn. Với nền kinh tế của một nước đang phát triển, nếu chúng ta muốn vượt lên, chỉ có cách là phải thay đổi dần những thói quen bất lợi. Tập quán ăn chơi dầm dề sẽ phải ngày càng ít đi, thay vào đó là một tinh thần làm việc hết mình hơn nữa.
Năm vừa qua, là năm đầu tiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, mang tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, để tạo động lực phát triển cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế của hệ thống hành chính của chúng ta là thứ văn hóa “không nhúc nhích”; trên phát mà dưới không động; trên thì rất quyết tâm, nhưng dưới thì bình chân như vại... Làm sao tất cả những chủ trương, chính sách cởi mở, thông thoáng của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao khi hiệu suất thực thi ở bên dưới đạt hiệu quả thấp? Làm sao người dân, nhà đầu tư có thể được “phục vụ” nghiêm túc, chuyên nghiệp từ hệ thống hành chính, được tạo điều kiện thuận lợi nhất, nếu như đến cơ quan nào họ cũng thấy cảnh đóng cửa đi lễ, làm việc trễ nải.
Chính phủ đặt quyết tâm rất lớn trong việc thúc đẩy một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong năm 2017, với những chỉ tiêu rất cao. Để đạt được những chỉ tiêu ấy, ngay trong tuần đầu, tháng đầu của năm mới, cả hệ thống hành chính cần tập trung làm việc, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, để từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.
Yêu cầu chấm dứt tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” cũng là một bước để dần thiết lập một phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận dụng thời gian, chớp được thời cơ, tích cực thúc đẩy đất nước phát triển./.
Theo VOV