Không quy định tố cáo bằng thư điện tử hay băng ghi âm
Thanh tra Chính phủ cho rằng hình thức tố cáo phải thể hiện bằng văn bản hoặc tố cáo trực tiếp để ràng buộc nghĩa vụ người tố cáo.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung hình thức tố cáo bằng các phương tiện khác như điện thoại, thư điện tử, băng ghi âm… vào dự thảo Luật Tố cáo, Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo, cho rằng để đề cao trách nhiệm và ràng buộc nghĩa vụ của người tố cáo, nhất là trong trường hợp người tố cáo sai sự thật thì hình thức tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản hoặc tố cáo trực tiếp, sau đó ghi lại bằng văn bản. Do đó, Ban soạn thảo không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.
Cơ quan soạn thảo cũng nhận định, việc thực hiện quyền tố cáo của công dân trong thời gian qua tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp, người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng không được các cơ quan nhà nước bảo vệ. Thực tiễn giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước cho thấy tố cáo nặc danh, mạo danh chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả để người dân tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình, đặc biệt là những tố cáo hành vi tham nhũng.
Chính vì thế, dự thảo luật đã quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đối tượng bảo vệ gồm có người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.
Người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được yêu cầu gia hạn thời hạn bảo vệ và yêu cầu bảo vệ lại.
Tuy vậy, dự thảo luật cũng yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác là xác thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Đồng thời tuân thủ yêu cầu mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đưa ra có liên quan đến công tác bảo vệ; không được tiết lộ biện pháp bảo vệ cho người khác biết./.
Theo VOV