Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, bền vững
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu mốc mang tính lịch sử, góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển lành mạnh, lâu dài
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12-15/1.
Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XII của Đảng ta. |
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, là dấu mốc mang tính lịch sử, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước kể từ sau Đại hội XII của Đảng ta và sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức xác lập vị trí hạt nhân lãnh đạo của đồng chí Tập Cận Bình và đang chuẩn bị cho Đại hội XIX.
Ngoài ra, chuyến thăm còn diễn ra vào thời điểm trước thềm kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Tết cổ truyền của hai dân tộc, do đó ngoài việc thúc đẩy quan hệ về chính trị, kinh tế, xã hội, chuyến thăm còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc thắt chặt tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Đánh giá về những kết quả nổi bật của chuyến thăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết, với chương trình làm việc rất phong phú, thiết thực và rất hiệu quả, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp. Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn, nội dung bàn bạc trao đổi toàn diện, sâu sắc. Hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí nhiều định hướng lớn, nhiều biện pháp cụ thể cho quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới. Kết quả được thể hiện ở thông cáo chung của 2 nước với 10 điểm rất toàn diện, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường tiếp xúc cấp cao, đi sâu quan hệ theo kênh Đảng, kết nối chiến lược, kết nối năng lực sản xuất, đi sâu hợp tác quốc phòng, an ninh, thúc đẩy đầu tư, thương mại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết 15 bản hợp tác giữa 2 nước. Trong ảnh, lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc. |
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 15 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực kể cả trong lĩnh vực hợp tác Đảng và lĩnh vực khác.
Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia học giả Trung Quốc. Giáo sư Cốc Nguyên Dương -chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, cho rằng, kết quả chuyến thăm đã vượt quá tưởng tượng của ông.
“Thứ nhất, cuộc hội đàm và gặp gỡ giữa hai Tổng Bí thư diễn ra trong bầu không khí rất thân tình, tốt đẹp. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo còn tiến hành trà đạo. Điều này cũng phù hợp với truyền thống văn hóa hai nước, vì Trung Quốc và Việt Nam đều là hai dân tộc uống trà. Điều này thể hiện mối quan hệ rất thân thiết, từ trước đến này tôi chưa từng thấy. Thứ hai, các vấn đề hai nhà lãnh đạo nêu đều hết sức cụ thể, có tầm chiến lược, và đều có những nội dung mới. Đặt trong bối cảnh thời đại hiện nay, chuyến thăm Trung Quốc lần này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai nước là kịp thời và có ý nghĩa rất quan trọng. Các văn kiện hợp tác hai bên ký kết lần này cũng rất nhiều và toàn diện", Giáo sư Cốc Nguyên Dương phân tích.
Thúc đẩy mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế cũng như trên các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hai nước cũng là một trong những kết quả quan trọng trong chuyến thăm lần này. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nước đã cơ bản thống nhất với nhau về những nội dung quan trọng lớn đặt ra, nhất là thống nhất về những nguyên tắc để giải quyết những nút thắt lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam đã cùng với phía Trung Quốc đề cập toàn diện và giải quyết hầu hết những vấn đề lớn. Về khía cạnh tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa hai nước, các bộ, ngành hai nước đã thống nhất ký kết những văn bản hợp tác đi vào thực chất, giải quyết những yếu tố cụ thể. Trong đó, Bộ Công thương đã ký với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật thương mại. Đây là cơ bản để tháo gỡ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các lô hàng nông sản tiềm năng. Yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng nữa, đó là phải hướng tới tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm. Cho nên, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam, Trung Quốc cũng thống nhất sẽ thông qua các chương trình hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam".
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia cùng những nghi thức lễ tân đặc biệt. |
Không chỉ đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trước hết, đó là lãnh đạo Trung Quốc đã dành cho Tổng Bí thư và đoàn những nghi thức đón tiếp ở mức cao nhất, kèm theo nhiều biệt lệ, thể hiện sự đặc biệt coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể với 21 phát đại bác chào mừng. Quốc kỳ Việt Nam tung bay không chỉ tại khu vực quảng trường Thiên An Môn như thường lệ, mà còn trên suốt chiều dài hàng chục km hai bên đường từ sân bay về khách sạn-một hình ảnh được cho là ít thấy ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó, phía bạn Trung Quốc lần đầu tiên bố trí 5/7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị tiến hành hội đàm và hội kiến với Tổng Bí thư của Đảng ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật tại Đại lễ đường Nhân dân. (Ảnh: TTXVN) |
Một điều đặc biệt nữa là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật sau những nghi lễ ngoại giao. Ông Hoàng Bình Quân nói: “Lãnh đạo Trung Quốc rất ít khi mời tiệc trà. Đây là lần đầu tiên họ mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà. Tiệc trà là hình thức rất gần gũi, thân tình, rất bằng hữu. Hai Tổng Bí thư thưởng trà, luận đạo, thổ lộ tâm tình, bàn về văn hóa trà hai nước, cũng như bàn về tương lai của quan hệ hai Đảng, hai nước trong không khí rất ấm cúng.
Việc Tổng Bí thư lựa chọn thăm Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang được cho là hết sức có ý nghĩa khi nơi đây không chỉ có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, mà còn là nơi có nhiều gắn bó văn hóa và lịch sử với Việt Nam. Cách đây khoảng 250 năm, Đại thi hào Nguyễn Du khi đi sứ sang Trung Quốc đã đến đây và có được nguồn cảm hứng để có được những kiệt tác văn chương bất hủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời cũng đã có nhiều lần đến Hàng Châu.
Lãnh đạo tỉnh Chiết Giang đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay |
Ngày nay, Chiết Giang là địa phương tiêu biểu về tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Trung Quốc. Người dân Chiết Giang với truyền thống năng động và sáng tạo, kết hợp cùng những chính sách mở cửa và định hướng phát triển kinh tế phù hợp của tỉnh, đã xây dựng Chiết Giang thành một tỉnh điển hình trong cải cách, là một trong những khu vực kinh tế sôi động nhất của Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn có tên tuổi toàn cầu của Trung Quốc như Alibaba đã khởi nghiệp ở Chiết Giang.
Việc Tổng Bí thư thăm Chiết Giang thể hiện sự trân trọng truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước; mong muốn doanh nghiệp hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác, giao thương; các cấp, các ngành Việt Nam học tập kinh nghiệm thành công của Chiết Giang trong phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch...
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động khi ngắm nhìn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi du thuyền trên Tây Hồ trong một lần Người đến thăm Hàng Châu nhiều năm trước, hay hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm phố cổ Hà Phường, trò chuyện với người dân, vào quán thưởng thức trà rồi trả tiền khi mua trà Long Tỉnh - một sản phẩm nổi tiếng của Trung Quốc đã chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc, tích cực trong lòng nhân dân Trung Quốc.
Với kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ Việt-Trung ngày càng phát triển, đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho nhân dân hai nước./.
Theo VOV