Ngăn chặn tham nhũng chính sách

Thứ Tư, 04/01/2017, 18:36 [GMT+7]

Khác với hành vi “tham nhũng vặt” dễ nhận diện, “tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm nhưng phát hiện lại rất khó.
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tại Đảng bộ Văn phòng Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý trong việc tham mưu, đề xuất các chính sách phải tuyệt đối tránh “lợi ích nhóm”, chống “tham nhũng chính sách”.

Khác với hành vi “tham nhũng vặt” dễ nhận diện, “tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm nhưng phát hiện lại rất khó.
 

1
“Tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm nhưng phát hiện lại rất khó (Ảnh minh họa).


Để xây dựng chính sách, khâu đầu tiên là nhà hoạch định chính sách phải nắm bắt thông tin, xem vấn đề gì nhân dân bức xúc nhất, quan tâm nhất, giải quyết được vấn đề đó sẽ tháo gỡ cho các vấn đề khác. Tuy nhiên trên thực tế, việc hoạch định chính sách không phải lúc nào cũng bảo đảm khách quan.

Những nhóm có thế mạnh thường có cách đưa thông tin và có các “kênh” để làm cho cơ quan chức năng quan tâm hơn đến vấn đề của họ. Để tiếp cận nhanh đến cơ quan chức năng, những nhóm này có thể vận động “hành lang”, thậm chí “bôi trơn”… để được quan tâm hơn. Đó là hành vi tham nhũng trong giai đoạn chuẩn bị ban hành chính sách.

Trong giai đoạn xây dựng và ban hành chính sách, tham nhũng có thể xảy ra với những hình thức rất tinh vi. Nhóm lợi ích có thể “chèn” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan đến lợi ích của họ. Mỗi câu chữ thêm bớt trong văn bản có thể sẽ là những thủ tục, những “giấy phép con” trong quá trình thực thi chính sách.

Khi tổ chức thực hiện chính sách, những kẻ tham nhũng sẽ câu kết với nhau nhằm rút tiền của Nhà nước dưới nhiều hình thức. Điều này lý giải vì sao trong thời gian qua, nhiều công trình vừa mới khánh thành đã hỏng, nhiều dự án bị “đắp chiếu” vì thiết bị lạc hậu...

Tham nhũng chính sách tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là giành được những hợp đồng béo bở. Từ đó gây lãng phí tiền của, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Tham nhũng chính sách còn làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân.

Thực tế cho thấy tình trạng tham nhũng chính sách xảy ra chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực, địa phương mà cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực còn lỏng lẻo, bè phái, và việc phản biện chính sách còn hời hợt, bị xem nhẹ hoặc triển khai hình thức. Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” vì lợi ích cá nhân mà ban hành, phê duyệt những chính sách bất cập, gây thiệt hại cho xã hội.

Để phòng, chống tham nhũng chính sách cần phải tạo ra các cơ chế ngăn ngừa, trong đó vấn đề quan trọng nhất là “bịt các lỗ hổng về quy phạm pháp luật”. Người làm công tác quy hoạch, xây dựng và thực thi chính sách sẽ không thể tham nhũng nếu pháp luật quy định chặt chẽ đến mức có muốn cũng không thể tự tung tự tác móc túi Nhà nước.

Muốn làm được điều này thì phải công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin-cho về cơ chế chính sách. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong quy trình ban hành văn bản pháp quy và văn bản điều hành của các cơ quan có thẩm quyền cần phải được siết chặt.

Mặt khác, cần có quy định cụ thể về phản biện chính sách, quy định bắt buộc phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi ban hành. Nhất là đối với các chính sách, chế độ ưu tiên, ưu đãi trong các lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều nguồn lực của đất nước nhằm góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước và toàn xã hội trước nguy cơ bị tệ nạn tham nhũng chính sách gây thiệt hại./.

 

Theo VOV

.