Cán bộ trốn ra nước ngoài: Phải truy cứu trách nhiệm cơ quan chủ quản
Theo TS Hoàng Ngọc Giao, phải truy cứu trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát, cơ quan chủ quản để cán bộ trốn ra nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra, Tổng Bí thư yêu cầu phải hạn chế tối đa tình trạng để tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, tăng cường thêm khâu thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là mong mỏi chung của dư luận cả nước khi thời gian qua chứng kiến một số vụ án, đối tượng đang trong tầm ngắm thanh tra, kiểm tra những dấu hiệu sai phạm thì đã tìm mọi cách trốn ra nước ngoài gây bức xúc dư luận.
Những vụ việc này cũng cho thấy một thủ đoạn mới nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật với những nhóm đối tượng có sai phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng. Giải pháp nào ngăn chặn những đối tượng này bỏ trốn ra nước ngoài, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện chính sách pháp luật và phát triển –Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (Ảnh: KT) |
PV: Tình trạng quan chức sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước rồi trốn ra nước ngoài để tránh sự trừng phạt của pháp luật và tẩu tán tài sản đang gây nhiều bức xúc cho dư luận. Ông có bàn luận gì về thực trạng này?
TS Hoàng Ngọc Giao: Chúng ta phải khẳng định đây là tài sản của nhân dân, họ đã ăn cắp, mang ra nước ngoài. Người dân đóng thuế, tài nguyên của đất nước mới tạo nên của cải vật chất để hoạt động kinh tế, nay họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Đến lúc sắp bị lộ, gần bị lộ thì họ tìm cách chạy ra nước ngoài khiến bức xúc của nhân dân ngày càng lớn hơn.
PV: Theo ông, qua vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trước khi bị khởi tố, hay Vũ Đình Duy bỏ ra nước ngoài khi đang trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng cần rút ra bài học gì để ngăn chặn tình trạng này?
TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, phải truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn những cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát, các cơ quan chủ quản cũng như những người đứng đầu, lý do vì sao đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã để lọt những người đó chạy ra nước ngoài.
PV: Luật đã quy định rất rõ quyền bảo hộ công dân đó là khi chưa xác định là tội phạm thì hoàn toàn được tự do đi lại nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn những đối tượng này, thưa ông?
TS Hoàng Ngọc Giao: Nếu dùng lý lẽ đó cũng chỉ đúng một phần bởi lẽ quyền tự do đi lại của con người áp dụng chung cho công dân, nhưng đối với cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ thì việc đi lại có thể bị hạn chế bằng các quy định hành chính. Việc hạn chế bằng các quy định hành chính này vừa để đảm bảo cho cán bộ, công chức thực hiện công vụ tốt, vừa đảm bảo cơ quan quản lý kiểm soát việc cán bộ đi ra nước ngoài.
PV: Trong đất nước thượng tôn pháp luật thì phải có các hệ thống về quy định của pháp luật phải rõ ràng thì mới kiểm soát được việc này về danh chính ngôn thuận, thưa ông?
TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi đồng ý như vậy. Theo tôi, cùng với những quy chế hiện nay về việc xuất cảnh của cán bộ, công chức ra nước ngoài cần phải hoàn thiện hơn và có thể làm theo hướng danh sách 3 loại gồm: danh sách xanh, vàng, đỏ. Những cán bộ, công chức bình thường, không có vấn đề gì thì có thể vào danh sách xanh. Khi họ có nguyện vọng ra nước ngoài chữa bệnh hay lý do khác thì việc xin phép và được chấp nhận là bình thường, lúc đó không cần thiết phải báo cáo với cơ quan xuất nhập cảnh.
Những người đang nằm trong vòng ngắm cần đưa vào danh sách vàng và thông báo với cơ quan xuất nhập cảnh để đưa ra những yêu cầu đặc biệt, khi họ xuất nhập cảnh cần phải có giấy phép của cơ quan chức năng, thủ trưởng ngành… Danh sách đỏ là những người bị cấm ra nước ngoài.
Nếu sắp xếp theo 3 loại danh sách như vậy và trong thời đại công nghệ tin học điện tử thì hoàn toàn có thể làm được. Nếu làm được như vậy thì hoàn toàn có thể kiểm soát được việc xuất cảnh có đúng người hay không hay người đó có ý thức bỏ trốn.
PV: Tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài không riêng nước ta mà diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, như Trung Quốc là một ví dụ, nhưng pháp luật Trung Quốc xử lý khá hiệu quả khi trong năm qua họ đã truy bắt hàng trăm đối tượng đưa về nước quy án, cùng với đó là một lượng lớn tài sản của quan tham cũng đã được thu hồi về ngân sách. Qua quan sát, ông thấy những bài học kinh nghiệm nào để nước ta có thể tham khảo?
TS Hoàng Ngọc Giao: Trung Quốc làm về phòng, chống tham nhũng thì ai cũng thấy họ làm rất quyết liệt. Hệ thống hành pháp, tư pháp của họ nghiêm minh; họ thực hiện hợp tác quốc tế rất tốt với FBI của Mỹ cũng như với các nước phương Tây. Vì thế những hiệp định, thỏa thuận mà họ đã ký kết với các nước khác về dẫn độ tội phạm mới thực thực hiện.
Việt Nam cũng cần học tập là cần phải thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế với interpol, với cảnh sát, các cơ quan chức năng ở các nước, đặc biệt là những nước phát triển như Mỹ, Australia, Châu Âu về chuyện này. Tôi tin các nước đó chắc chắn ủng hộ Việt Nam vì họ cũng rất mong muốn Việt Nam chống tham nhũng.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV