Nghiêm cấm tặng quà để vụ lợi: Cần ý thức từ mỗi cán bộ, đảng viên

Thứ Năm, 22/12/2016, 10:25 [GMT+7]

Để thực hiện tốt quy định của Bộ Chính trị, mỗi cá nhân phải ý thức được sự cần thiết và gương mẫu thực hiện.
 
Bộ Chính trị ngày 19/12 ban hành Quy định số 55 yêu cầu một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quy định, trong đó nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.

Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
 

1
Ảnh minh họa.


Sau khi Quy định này được ban hành, dư luận quần chúng, cán bộ đảng viên đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cao, bởi đây không chỉ là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà nó còn thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cả xã hội cần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Dư luận quần chúng mong mỏi Quy định của Bộ Chính trị, mệnh lệnh chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất sẽ được cả xã hội thực hiện nghiêm túc từ trên xuống dưới: Cấp trên gương mẫu thực hiện để cấp dưới tự giác, noi theo.

“Tuy đây là một chủ trương không mới, nhưng cách chỉ đạo, cách giải quyết của Trung ương lại rất mới, nó tạo ra một sức mạnh vô hình khiến quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên cần thấy rõ trách nhiệm bản thân và ý thức tự giác để cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm, hiệu quả quy định của Bộ Chính trị. Khi xã hội ý thức tự giác thực hiện cũng là khi người dân tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Trung ương”, ông Phan Văn Quảng, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu dân cư số 7 phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nêu ý kiến.

Tuy nhiên, để quy định được thực hiện nghiêm, hiệu quả tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, theo ông Phan Văn Quảng, cần một sự chuyển động từ trong mỗi cá nhân, tự ý thức được sự cần thiết phải thực hiện và tự giác, gương mẫu thực hiện; mỗi tổ chức, đơn vị, mỗi chi bộ ở cấp cơ sở đến các cấp cao hơn cũng cần có sự chuyển động, tuyệt đối không bao che, bưng bít, nể nang, né tránh với những vi phạm, với những cá nhân không chấp hành.

Ông Nguyễn Văn Khang (thôn Giáp Tứ, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng chủ trương này của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, việc quán triệt thực hiện có hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên các cấp. “Cán bộ phải đi trước để làng nước đi sau”, người dân, cấp dưới luôn nhìn vào mỗi việc làm, hành động của cán bộ, của cấp trên. Những việc làm ấy không thể hiện được trách nhiệm, không thể hiện sự gương mẫu, sẽ khó thay đổi được nhận thức và lòng tin của người dân, cấp dưới.

Ông Nguyễn Quang Ngọc (Đảng viên Chi bộ 11, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đề nghị để việc thực hiện, tuân thủ Quy định 55 của Bộ Chính trị có hiệu quả cần phải làm mạnh như vụ việc Trịnh Xuân Thanh.

“Tuy vụ việc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang trong quá trình xử lý, nhưng những kết quả bước đầu đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Những cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị phải bị kỷ luật, thậm chí đưa ra xử lý một vài trường hợp để làm gương, tránh tình trạng hô hào để đấy, nhưng lãng phí vẫn cứ tràn lan, không ai phải chịu trách nhiệm”, ông Ngọc nói./.

 

Theo VOV

.