Năm 2016, Điện Biên có 22/36 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra

Thứ Năm, 08/12/2016, 08:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 7/12 - ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu đã tập trung xem xét, đánh giá vào báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017.

Các t
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáotình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017.

 

Trình bày báo cáo tại kỳ họp, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: Dự ước năm 2016, có 22/36 chỉ tiêu đạt trên 100% và 12/36 chỉ tiêu không đạt kế hoạch theo mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; 02/36 chỉ tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng và Tỷ lệ hộ nghèo không còn phù hợp với tiêu chí đưa ra.

Cụ thể, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá sản xuất) theo giá so sánh năm 2010 đạt 9.223,2 tỷ đồng, tăng 6,83% so với thực hiện năm 2015, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% (so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với thực hiện năm 2015.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.235,22 tỷ đồng (giá 2010), tăng 9,1% so với năm 2015. Trong đó: công nghiệp khai thác ước đạt 107,97 tỷ đồng, tăng 1,38% so với năm 2015; công nghiệp chế biến đạt 1.798,94 tỷ đồng, tăng 5,32%; sản xuất, phân phối điện đạt 286,79 tỷ đồng, tăng 46,26%; cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 41,52 tỷ đồng, tăng 8,99%. Một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: điện sản xuất, gạch xây, đá xây dựng, xi măng, trang in offset.

Các t
Đại biểu nghe các báo cáo, tờ trình

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu đến hết năm 2016 ước đạt 30,46 triệu USD, đạt 95,19% kế hoạch năm, tăng 33,51% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16 triệu USD, đạt 123,08% kế hoạch năm, giảm 6,73% so với cùng kỳ năm trước.

Dự ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2016 là 7.481 tỷ 573 triệu đồng, đạt 111,64 % dự toán. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.007 tỷ 359 triệu đồng, đạt 101,47% dự toán giao. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 958 tỷ 059 triệu đồng (ngân sách địa phương hưởng 952 tỷ 459 triệu đồng) đạt 101,92% dự toán, tăng 121,01% so với thực hiện năm 2015.

Đến nay, các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai tích cực. Ước thực hiện năm 2016, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 54.750 hộ (chiếm 44,94% tổng số hộ; giảm 2.464 hộ và giảm 3,2% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30ª ước giảm 3,82% so với năm 2015.

Các mặt văn hóa xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tiến bộ, một số vấn đề xã hội bức xúc được kiềm chế; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự xã an toàn xã hội được giữ vững.

Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Một số chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chưa đạt kế hoạch, tình hình cháy rừng vẫn xảy ra cục bộ trên địa bàn. Việc khai thác các dự án thủy lợi, khai hoang sau đầu tư các công trình thủy lợi chưa thực sự hiệu quả. Diện tích các cây công nghiệp ngắn ngày tiếp tục xu hướng giảm, trồng mới cây cà phê, cây cao su gặp khó khăn do tác động của giá sụt giảm, nên diện tích trồng chưa đạt. Phát triển công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 95,9% KH), quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào nền kinh tế còn thấp, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch. Phát triển dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 98,6% KH), chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực tại các cơ sở, khu du lịch hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng để đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh; việc phát huy giá trị của quần thể di tích lịch sử đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, quản lý và phục vụ du khách. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn 2016 và kế hoạch 2015 được kéo dài sang năm 2016 còn chậm, giải ngân thanh toán vốn 10 tháng đầu năm đạt thấp...

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, đánh giá, thông qua một số báo cáo: Báo cáo thẩm tra báo cáo và Dự thảo Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017; Tờ trình về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020; Tờ trình về việc thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Tờ trình về việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Điện Biên; Tờ trình về việc ban  hành quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016 – 2021... và nghe thông báo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh và nghe đồng chí Trần Văn Sơn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thức 2, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 7 – 10/12.

 

Diệp Xuân

 

.