Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV

39 lượt đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại tổ

Thứ Sáu, 09/12/2016, 09:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 8/12, HĐND tỉnh khóa XIV đã chia 5 tổ thảo luận vào các báo cáo, tờ trình; trong đó có 39 lượt đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại tổ. Trang Thông tin Điện tử - Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên đăng tải Báo cáo tổng hợp ý kiến các vị đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tại tổ.

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH ĐIỆN BIÊN

 

 

 


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Điện Biên, ngày 08 tháng 12 năm 2016

BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN

CÁC VỊ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH TẠI PHIÊN THẢO LUẬN TỔ

 

  Kính gửi: Các vị đại biểu HĐND tỉnh.

         Sáng ngày 08/12/2016, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận ở Tổ về các nội dung trình tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV. Tổng số có 41/51 đại biểu dự phiên thảo luận (vắng 10 đại biểu có lý do), có 39 lượt đại biểu phát biểu ý kiến. Thường trực HĐND tỉnh Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia tại các Tổ thảo luận như sau:

I. Các Báo cáo, Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017

* Báo cáo:

- Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh còn chậm, đặc biệt trong các lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng; đề nghị cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính.

- Chỉ số cạnh tranh thấp, cần tổng kết đánh giá lĩnh vực này; kiểm tra, kiểm điểm chỉ rõ các đơn vị, ngành, lĩnh vực triển khai thực hiện kém; có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nêu cao trách nhiệm, năng lực, đạo đức công vụ trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Công bố công khai bảng sếp hạng của các đơn vị để nhân dân biết.

- Bổ sung nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế; nêu cao trách nhiệm, năng lực, đạo đức công vụ trong thực hiện công tác cải cách hành chính; tổ chức rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn bản, tổ dân phố  để có giải pháp giảm số lượng tăng phụ cấp. Sắp xếp lại các tổ dân phố cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương

- Đề nghị giải trình rõ sự chênh lệch số bội thu (thấp hơn Bộ Tài chính giao).

- Đề nghị UBND tỉnh báo cáo rõ 675 dự án công trình chưa được thanh quyết toán; xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt hơn trong giải pháp tiếp theo trong việc thực hiện nhiệm vụ chi.

Có biện pháp quản lý nâng cao hiệu quả sau đầu tư của các công trình đặc biệt trọng lĩnh vực thủy lợi; có biện pháp xử lý đối với các công trình chậm tiến độ; tập trung chỉ đạo bố trí các nguồn vốn cho các xã dự kiến đạt nông thôn mới năm 2017.

- Đề nghị bổ sung đánh giá kết quả thực hiện năm 2016, nhiệm vụ giải pháp năm 2017 về công tác quản lý tôn giáo; công tác dân tộc; tình hình di dịch cư tự do; buôn bán phụ nữ; có giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền và sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc phòng chống tệ nạn buôn người; tình hình phát triển cây công nghiệp, khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển thủy sản.

- Đề nghị có giải pháp hiệu quả trồng rừng và bảo vệ rừng đặc biệt đối với khu vực rừng xung yếu nhằm nâng chỉ tiêu độ che phủ rừng; quan tâm đến triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

- Đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán, chỉ tiêu độ che phủ rừng năm 2017 để đảm bảo lộ trình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

- Tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai (đất rừng và đất sản xuất) giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La, giữa các huyện, các xã, bản trong tỉnh.

- Đề nghị xem xét lại việc thẩm định, công bố giá trong các Chương trình mục tiêu đối với việc hỗ trợ con giống, cây giống, máy sản xuất nông nghiệp. Vì hướng dẫn quy định về mức giá con giống còn cao.

- Đề nghị chỉnh sửa một số cụm từ cho phù hợp: như cụm từ tiền tệ”, vì điều hành tiền tệ là của Ngân hàng Nhà nước; bổ sung cụm từ “nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình 30a, 135, QĐ 755” trong phần đánh giá về Công tác quản lý, tổ chức và thực hiện một số chương trình MTQG.

- Đề nghị bổ sung giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai.

- Về triển khai các dự án thành phần: Công tác giải phóng mặt bằng không được quan tâm, cần bố trí nguồn lực để xây dựng các khu, điểm tái định cư để thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

- Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo việc giải ngân vay vốn tại ngân hàng chính sách theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khắc phục tình trạng giải ngân thấp như hiện nay (theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách chỉ đạt trên 52% ).

- Cần có giải pháp để thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; thu hút các doanh nghiệp sản xuất chế biến về lâm nghiệp, tiếp tục triển khai quy hoạch, kế hoạch trồng rừng của các năm tiếp theo.

- Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề; bố trí vốn đầu tư xây dựng các phòng học để tăng tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học.

- Mô hình trường học mới VNEN tại Điện Biên chưa đáp ứng các điều kiện về giáo viên, CSVC; tâm lý cha mẹ học sinh chưa đồng thuận…vẫn triển khai rộng rãi; đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ nội dung này.

- Đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình vệ sinh trong các nhà trường, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và sức khỏe cho các cháu học sinh.

- Công nghệ giáo dục lớp 01: Có nhiều từ ngữ trong chương trình chưa phù hợp với đối tượng học sinh; đề nghị UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, làm rõ.

- Về văn hoa xã hội: Cần làm rõ nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo tăng cao; cần phân tích, đánh giá kỹ hơn về các mặt y tế, giáo dục, thể thao.

* Dự thảo Nghị quyết:

- Bố cục chưa hợp lý, đề nghị điều chỉnh gộp mục III và IV thành một mục (nhiệm vụ, giải pháp) và thiết kế lại các nội dung cho phù hợp.

- Bổ sung các kết quả nổi bật năm 2016; nội dung đánh giá và mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của các cơ quan tố tụng vào Nghị quyết.

- Bổ sung nhiệm vụ: Duy trì và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời có giải pháp cụ thể hơn về cải cách hành chính trong năm 2017.

2. Dự toán và phân bổ dự toán NSĐP năm 2017.

Đề nghị có phương án xử lý nợ thuế, nợ đọng nguồn vốn.

3. Ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020.

- Đề nghị xem xét nâng mức phân bổ dự toán ngân sách thường xuyên cho các tổ chức đoàn thể, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động.

- Dự thảo Nghị quyết: Đề nghị bổ sung căn cứ Luật ngân sách năm 2015.

4. Danh mục dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào mục đích khác năm 2017 trên địa bàn tỉnh.

- Hiện nay còn nhiều dự án đã thu hồi đất theo Nghị quyết HĐND tỉnh nhưng chưa triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện, tránh quy hoạch treo.

- Đề nghị rà soát và điều chỉnh tên một số địa danh trong tại Biểu số 3 cho chính xác.

- Đề nghị làm rõ, giải trình kết quả giao đất, cho thuê đất các dự án đã hoàn thành đạt tỷ lệ thấp.

5. Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

 Đề nghị rà soát, hiệu chỉnh lại các tên, địa danh trong quy hoạch và các phục lục kèm theo cho chính xác.

6. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Điện Biên

- Đề án chưa đề cập đến việc quy hoạch 26.649 ha đất cho các khu kinh tế theo văn bản số 1927 ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị làm rõ nội dung trên.

- Đề nghị rà soát lại số liệu liên quan đến các huyện trong các Biểu chi tiết cho chính xác. Tại Báo cáo thuyết minh (trang 66) đề nghị điều chỉnh lại tên địa danh thuộc huyện Điện Biên Đông cho chính xác (Vì tại khu vực bản Háng Trợ, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông không còn diện tích để phát triển khai hoang lúa nước).

- Đề nghị giữ nguyên khoản 2, Điều 1 dự thảo Nghị quyết.

7. Đề án điều chỉnh quy hoạch bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020.

Đề nghị quan tâm đầu tư để từng bước hoàn thiện ngầm hoá mạng ngoại vi, nhất là trong khu vực đô thị.

8. Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.

- Đề nghị xem xét thành lập trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi; có chính sách ưu đãi khuyến khích cho các VĐV đạt thành tích cao.

- Đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu đưa vào Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; bám sát vào chương trình của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương.

9. Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, có hướng dẫn chi tiết để thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các tiêu chí khó thực hiện như tiêu chí số 19.

- Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, một số cấp uỷ chính quyền cơ sở còn thiếu sâu sát trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, nên người dân chưa có chuyển biến về nhận thức. Vì vậy, đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa đến các cơ sở, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư.

- Đề nghị rà soát để thống nhất nội dung các ‘xã cơ bản đạt nông thôn mới’ hay ‘đạt nông thôn mới’ cho phù hợp với Nghị quyết của Tỉnh ủy và Quyết định 1600/QĐ-TTg.

10. Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Đề nghị bổ sung phần định hướng sản xuất điện vào vùng công nghiệp 3 (khu vực Nậm Pồ - Mường Nhé).

- Tại trang 3, đề nghị sửa cụm từ "tiêu chuẩn kỹ thuật" thành "tiêu chuẩn chất lượng"; "phát triển phục vụ nông thôn" thành "phục vụ phát triển kinh tế xã hội".

- Mục 3.2.3, trong việc phát triển vùng nguyên liệu gạo, việc phối hợp với người dân để tạo vùng nguyên liệu rất khó khăn, chính quyền các cấp chưa phối hợp chặt chẽ; đề nghị các cấp, ngành quan tâm có giải pháp tháo gỡ vấn đề trên.

11. Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2016; nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2017 của UBND tỉnh.

- UBND tỉnh tổ chức khảo sát đầy đủ và đưa ra các giải pháp phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hiệu quả thấp, các dự án không đạt mục tiêu; công tác quản lý sau đầu tư.

- Đề nghị HĐND tỉnh giám sát, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra về lĩnh vực dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh.

12. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.

- BC về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Rà soát để chuẩn xác số liệu trong báo cáo của UBND tỉnh và báo cáo của các ngành.

-  BC về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, nhiệm vụ năm 2017: Tiếp công dân năm 2016 tăng 60% so với năm 2015; đơn thư tăng 30%, số khiếu nại đoàn đông người tăng, đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

- BC về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Trong báo cáo chưa chỉ ra được vấn đề nổi cộm của thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiện nay; chưa chỉ rõ được tồn tại, vấn đề khắc phục lãng phí trong đầu tư. Đề nghị trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả, quyết liệt trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng ngừa tham nhũng trong đó tập trung trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, GPMB.

- Tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh.

II. Các Báo cáo, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trình

1. Ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Phần căn cứ của Nghị quyết: Đề nghị bổ sung Luật Tiếp công dân.

- Về nội dung cụ thể dự thảo Nghị quyết:

+ Điều 15: Bổ sung nội dung: Phải có trên 1/2 đại biểu HĐND tỉnh tán thành, và ít nhất 2/3 tổng số đại biểu HĐND tỉnh đồng ý tán thành đối với việc bãi miễn đại biểu HĐND.

- Về nhiệm vụ quyền hạn của Tổ Đại biểu HĐND: Đề nghị bổ sung Tổ trưởng Tổ đại biểu được mời tham dự các cuộc họp của UBND huyện, thành phố nơi đại biểu ứng cử.

+ Tại khoản 2 Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của đại biểu HĐND là "bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND", do đó đề nghị viết lại nguyên tắc hoạt động của đại biểu HĐND cho phù hợp.

+ Khoản 2 Điều 10. Đề nghị bổ sung “Thường trực HĐND tỉnh” vào đối tượng đề nghị sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp HĐND tỉnh.

+ Điều 14. Đề nghị bổ sung nhiệm vụ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND.

2. Quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Điện Biên.

- Đề nghị làm rõ đối tượng được hưởng các mức quy định riêng về trang phục cho đại biểu, cụ thể: Đối với đại biểu HĐND tham gia 2 cấp tỉnh, huyện có được hưởng chế độ trang phục của cả 2 cấp không; đối với đại biểu đã được hưởng chi trang phục bên cấp ủy có được hưởng chế độ trang phục của đại biểu HĐND không.

- Trong Nghị quyết, đề nghị bổ sung thêm nội dung về Đối tượng thụ hưởng chính sách: Đối với các đối tượng là Đại biểu HĐND 2 cấp, 3 cấp đề nghị chỉ áp dụng mức chi cao nhất/đại biểu, để đảm bảo tính thống nhất với một số chính sách khác.

- Đối với nội dung soạn thảo Nghị quyết của HĐND, mức chi giữa các cấp là chưa họp lý, đề nghị xem xét lại mức chi của HĐND cấp xã.

- Về hỗ trợ tiền ăn cho các đại biểu Hội đồng nhân dân: Đề nghị hỗ trợ hết không phân biệt cự ly.

III. Các Báo cáo của TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh

1. Báo cáo công tác năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

- Đề nghị Viện KSND tỉnh làm rõ tỷ lệ truy tố đúng thời hạn trong tổng số quyết định truy tố trong năm.

- Làm rõ căn cứ đánh giá tình hình tội phạm xẩy ra trên địa bàn năm 2016 tăng (nêu tại trang 2).

- Bổ sung báo cáo tình hình xử lý các đối tượng tạm giữ hành chính.

2. Báo cáo công tác năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 Tòa án nhân dân tỉnh

Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh làm rõ nội dung các vụ án bị huỷ, cải sửa nêu trong báo cáo. 

IV. Một số kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh

- Đề nghị tỉnh nghiên cứu trong năm 2017 ban hành chính sách hỗ trợ cho việc phát triển cây cà phê, cao su đảm bảo cho việc phát triển KTXH chung của tỉnh .

- Đề nghị tỉnh nghiên cứu sớm ban hành chính sách đối với các nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh.

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu ban hành hướng dẫn và triển khai thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật như:  + Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015;

      + Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số  khi sinh con đúng chính sách dân số; Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân  thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 và Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009, chế độ chính sách cho nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân...

        + Chế độ cho CBCC làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư.

- Đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác mới, sớm đóng cửa Bãi rác Noong Bua.

- Đề nghị điều chỉnh lại một số Chính sách giảm nghèo cho phù hợp với tình hình thực tiễn, phong tục tập quán của người dân, đảm bảo đúng đối tượng chính sách.

- Đề nghị trong năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; tiến hành sắp xếp lại các tổ dân phố cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương, trên cơ sở đó có giải pháp giảm số lượng cán bộ, tăng phụ cấp.

- Việc chi trả lương qua tài khoản đối với cán bộ, công chức hiện nay là chưa phù hợp do hệ thống cây ATM còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đề nghị có giải pháp phù hợp hơn.

- Đề nghị tiếp tục đẩy nhanh Đề án thành lập trường đại học Điện Biên.

- Đề nghị Ban văn hóa xã hội đưa vào nội dung giám sát: Chương trình VNEN, Giáo dục công nghệ của chương trình lớp 1.

V. Ý kiến của đại biểu mời

- Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng: Chỉ được 60 triệu/năm/10.000ha, không đảm bảo theo mức 200.000đ/ha như quy định. Trong khi đó, quỹ dịch vụ MTR tỉnh chưa chi hết, đề nghị tỉnh xem xét nâng mức chi trả cho phù hợp.

- Đề nghị tỉnh sớm phân bổ hoặc tạm ứng trước kinh phí đối với một số chương trình nông lâm nghiệp phải triển khai theo thời điểm, mùa vụ.

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, sớm xử lý dứt điểm việc tranh chấp đất đai giữa bản Nậm San 3 xã Ngói Cáy với bản Hua Sát xã Mường Khoong huyện Tuần Giáo.

- Hỗ trợ cây cà phê: Đề nghị tỉnh hỗ trợ trong việc quảng bá giới thiệu đầu ra, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng.

- Nông thôn mới: Khi thẩm định các tiêu chí về xây dựng NTM, đề nghị không cho nợ các tiêu chí về mức sống, thu nhập của người dân.

- Tờ trình Quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Điện Biên:

+ Mục chi XD Dự thảo NQ do Thường trực HĐND trình: cần làm rõ đối tượng thụ hưởng để dễ thực hiện.

+ Mức chi bồi dưỡng hoạt động giám sát, hỗ trợ may trang phục: Có áp dụng đối với viên chức, nhân viên hợp đồng hay không; bồi dưỡng tiếp xúc cử tri đối với công chức, nhân viên trực tiếp phục vụ, đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cán bộ.

- Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh và hoạt động giám sát.

Trên đây là Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận Tổ. Thường trực HĐND tỉnh trân trọng báo cáo./.

 

BBT

 

.