Giám sát thế nào để ngăn chặn "tặng quà vụ lợi"?
Để thực hiện nghiêm Quy định cần có những cơ chế giám sát chặt chẽ, ngăn chặn hành vi lợi dụng tặng quà để "vụ lợi".
Quy định 55 của Bộ Chính trị ban hành, trong đó nghiêm cấm cán bộ, đảng viên tổ chức liên hoan sau mỗi kỳ họp hành, khi thăng chức; việc cưới hỏi, ma chay, sinh nhật cũng phải đơn giản, tiết kiệm…đã nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Không hiếm cán bộ mở tiệc linh đình, rầm rộ để liên hoan vì được thăng quan tiến chức (Ảnh minh họa). |
Ông Lê Minh Phú, ở quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, nhiều người cậy quyền thế, mượn việc riêng ma chay, cưới hỏi để tổ chức tiệc tùng, lấy cớ “thu” phong bì, phong bao, quà cáp… hay tổ chức ăn uống xa hoa, trong khi nhiều người dân còn khó khăn khiến người dân bức xúc.
“Quy định của Bộ Chính trị là rất đúng đắn. Quan trọng là chúng ta có mạnh tay làm hay không, cấp dưới có thực hiện nghiêm không. Nhất là đảng viên phải nêu cao gương mẫu trước, nếu không thì khó thực hiện được”, ông Lê Minh Phú nêu ý kiến.
Trong thời gian qua, những bữa tiệc liên hoan, tiệc tùng xa hoa, linh đình còn là dịp để những tiêu cực phát sinh hành vi tham nhũng, hối lộ hay những cái “bắt tay”, “thỏa thuận ngầm” cho mục đích cá nhân.
Không ít trường hợp lợi dụng những cuộc vui này để quà cáp, biếu xén lấy lòng cấp trên, thậm chí hối lộ để lo “chạy” chức, "chạy" quyền. Trong khi đó, những người đã hao tốn tiền của chạy chức, quyền thì nhân cơ hội việc riêng mà tranh thủ thu lợi. Đa số ý kiến của người dân cho rằng, thực hiện nghiêm Quy định 55 của Bộ Chính trị sẽ góp phần răn đe, ngăn chặn tiêu cực này. Tuy nhiên, do đây là những việc liên quan đến cá nhân, nên trước hết phải do ý thức của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, những năm trước cũng đã có nhiều quy định như không nhận quà Tết. Tuy nhiên, Quy định lần này cụ thể hơn, là bước răn đe đối với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, ngăn chặn những vụ lợi.
“Quy định là đúng đắn nhưng vấn đề là cần giám sát như thế nào. Để thực hiện nghiêm quan trọng là ý thức của đảng viên, sự gương mẫu của cấp trên”, ông Nguyễn Đình Hương nói.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. |
Bên cạnh những yêu cầu làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định 55 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị chấm dứt việc tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và ăn uống lãng phí mỗi khi có đoàn công tác về cơ sở. Đây cũng là thực trạng đáng lo ngại tại nhiều địa phương hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, không ít cơ quan, địa phương còn có tình trạng lạm dụng công quỹ cho những việc biếu xén quà cáp cho lãnh đạo cấp trên hoặc tiệc tùng linh đình, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Do đó, cần quy định nghiêm ngặt có hiệu lực pháp lý và cần có kế hoạch giám sát chặt chẽ từ tổ chức Đảng, sự vào cuộc của quần chúng nhân dân cũng như cơ quan báo chí.
Việc Bộ Chính trị nghiêm cấm lợi dụng hiếu, hỉ để tặng quà với động cơ vụ lợi là một chỉ đạo cấp thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để thực hiện một cách triệt để rất cần những cơ chế giám sát chặt chẽ, phát hiện những hình thức biến tướng và có chế tài xử lý nghiêm với những hành vi vi phạm, ngăn chặn các tiêu cực và tạo được niềm tin trong dư luận./.
Theo VOV