"Cấp trên gương mẫu không nhận quà, cấp dưới không thể đến"
Về yêu cầu không biếu xén, không phong bao, phong bì dịp Tết, ông Đỗ Văn Ân cho rằng, nếu cấp trên gương mẫu không nhận thì cấp dưới không thể đến.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.
Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm và đồng tình của dư luận. Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. |
PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc Thủ tướng yêu cầu vừa qua?
Ông Đỗ Văn Ân: Tôi rất hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc không biếu xén dịp Tết. Đây là những lời rất nghiêm túc và tâm huyết để quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền.
Nhiều năm nay, cứ Tết đến là có hiện tượng cấp dưới rồng rắn xếp hàng ở cửa nhà quan chức, cấp trên. Dưới con mắt của dân thì hiện tượng đó không đẹp đối với người đi biếu xén và nơi được biếu xén.
PV: Thực tế tình trạng biếu tặng quà Tết thời gian qua không dừng lại ở tình cảm nữa mà đã mang nặng tính vật chất. Theo ông, nguyên nhân chính của tình trạng này nằm ở đâu?
Ông Đỗ Văn Ân: Tình trạng vừa qua kéo dài nhiều năm, đây chính là xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chứ không phải tình cảm yêu mến lẫn nhau.
Nhân dân ta có truyền thống đến cuối năm, ngày lễ, ngày Tết, con cháu đến chúc Tết ông bà, cha mẹ, học sinh đến chúc Tết thầy cô giáo, nghĩ đến những người giúp đỡ mình là hình thức rất đẹp. Thực chất món quà chúc Tết đó chủ yếu mang ý nghĩa văn hóa, là tinh thần chứ không ai tính toán giá trị vật chất.
Nhưng thực tế thời gian qua có tình trạng vào dịp Tết người ta lũ lượt kéo nhau đến nhà lãnh đạo, cấp trên. Người đến chúc Tết mang theo những món quà có giá trị không nhỏ, đằng sau những món quà ấy là một sự toan tính đổi chác xuất phát từ động cơ vụ lợi cho cá nhân, cho nhóm của mình.
PV: Làm thế nào để tất cả hệ thống hành chính không chúc tết, không biếu xén, không phong bao phong bì theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Để thực hiện được chủ trương của Thủ tướng không phải dễ vì hiện tượng biếu quà Tết lãnh đạo có rất nhiều biến tướng. Vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ, không chỉ có lời kêu gọi là làm được.
Trước hết, phải đoạn tuyệt với cơ chế xin-cho. Vì còn cho thì sẽ có người xin bằng hình thức quà biếu và xin được thì phải có quà biếu tương xứng với cái cho mà nhận được, như xin dự án, xin lên chức… Nhà nước có cơ chế chặt chẽ để người muốn cho, muốn xin đều không làm được. Nếu người cho không đúng quy định sẽ bị xử phạt rất nghiêm minh.
Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát tài sản của người có chức, có quyền ở các cấp. Công khai tài sản với cơ quan quản lý cấp trên và cư dân nơi cư trú. Cơ quan quản lý, cấp trên phải giám sát việc kê khai sao cho đúng, chính xác và làm rõ khi tài sản tăng giảm bất thường, nếu có tiêu cực thì phải làm rõ và xử lý nghiêm.
Muốn chủ trương của Thủ tướng được thực hiện nghiêm trong thực tế cần phải có sự giám sát của nhân dân, các đoàn thể trong mặt trận. Cơ quan lãnh đạo, cấp trên cần lắng nghe dư luận của nhân dân để có sự kiểm tra, xác minh đến nơi đến chốn các dư luận mà nhân dân cho là lệch chuẩn của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền để chấn chỉnh.
Một điểm nữa cũng rất quan trọng đó là có giải pháp giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giáo dục, quản lý đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cấp. Cấp trên gương mẫu không nhận thì cấp dưới không thể đến được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Trước đây, các cơ quan có trách nhiệm đã đưa ra những quy định về vấn đề quà biếu khá chặt chẽ để kiểm soát. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì không có cơ quan chuyên trách để theo dõi việc đó. Hơn nữa, ở đây cũng chứa đựng quan hệ tình cảm, quan hệ con người nên rất khó rành rọt để kiểm soát nên trên thực tế rất khó thực hiện. Thông điệp của Thủ tướng đưa ra thể hiện sự quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiên quyết nói không với hiện tượng lợi dụng biếu quà Tết. Quyết tâm này còn thể hiện sự gương mẫu của người đứng đầu, tạo ra sự chuyển động. Quyết tâm này từ ý thức của từng cán bộ có chức, có quyền chứ không dừng lại ở lời kêu gọi./. |
Theo VOV