"Mạnh tay đuổi việc cán bộ vi phạm để làm gương"

Thứ Năm, 03/11/2016, 09:32 [GMT+7]

“Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được. Mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe”.
 
Kỳ vọng thông điệp của Thủ tướng sẽ lan toả

Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao, tin tưởng vào Chính phủ mới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, ông thấy những dấu hiệu rất mới, rất mừng trong định hướng và phương châm hoạt động của Chính phủ.

Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất, Chính phủ định hướng hoạt động của mình trong 16 chữ: "liêm chính trong sạch - kiến tạo phát triển - hành động quyết liệt phục vụ nhân dân". Tại kỳ họp này, Chính phủ chuyển thông điệp đề cao phương châm nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm.

1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu


“Tôi kỳ vọng và mong muốn những ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ lan tỏa và nhân lên trong nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước khi mà Chính phủ điều hành nền kinh tế - xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh hơn và bền vững hơn” – ông Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ.

Tuy vậy, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn cho rằng, từ lãnh đạo tỉnh đến các thành viên của Chính phủ đã chuyển động rất mạnh mẽ, rất quyết liệt, thế nhưng bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm

Đề cập Chỉ thị số 26 của Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương bộ máy hành chính nhà nước, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, để Chỉ thị đi vào cuộc sống cần thiết phải tiến hành mạnh mẽ việc tuyên truyền, học tập thấm nhuần sâu sắc làm chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

Cùng với đó là ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được.

“Mạnh tay kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp” – ông Nguyễn Hữu Cầu nêu ý kiến.

Cán bộ công chức làm gì?

“Chúng ta luôn cảm nhận được sự sâu sát, quyết liệt trong từng lời nói, từng hành động của Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn. Kết quả về kinh tế xã hội đạt được cho đến thời điểm này tôi cho rằng đã thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nói.

Tuy nhiên, ông Cương cho rằng nếu không nâng cao được quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và nếu không chống được nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và có đạt được cũng không bền vững.

1
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại


“Chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân của nó là gì? Những vấn đề bức xúc đó đều có một điểm chung, đó là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức. Thực tế thì những vấn đề đã xảy ra, cái gì cũng được cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng!” – ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm.

Dẫn ví dụ như sập mỏ khai thác đá vài chục người chết, sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi, lật thuyền du lịch trái phép làm nhiều người thương vong, hay như cháy nhiều cơ sở karaoke chết nhiều người…, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói: “Cứ khi xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến rồi tuyên bố sẽ rà soát hết và xử lý nghiêm vi phạm. Lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không phải xảy ra mới làm”.

Vị đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng bày tỏ băn khoăn, rằng số lượng cán bộ công chức đông mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì họ làm gì? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị nhũng nhiễu.

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp vì biết rằng muốn phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp là rất to lớn, nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả chỉ đạo cũng cũng giảm rất nhiều” – ông Cương thẳn thắn bày tỏ./.

 

Theo VOV

.