Cần cơ chế truy trách nhiệm người tham nhũng quyền lực khi đương chức
Theo TS Nguyễn Văn Thanh, phải đặt ra cơ chế cụ thể để truy trách nhiệm những người tham nhũng quyền lực khi họ còn đương chức.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra 4 nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Về nội dung này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm khoa Triết học-Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng).
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm khoa Triết học-Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng). |
Bổ nhiệm người thân là biểu hiện của sự lạm quyền
PV:Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
TS Nguyễn Văn Thanh: 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đưa ra đã thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, trong đó tập trung vấn đề giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của những người có chức có quyền. Đảng cầm quyền, thông qua các tổ chức chính trị -xã hội và trao quyền cho những người có chức, có quyền thực thi một số quyền lực theo chức trách, nhiệm vụ của họ.
Trong xu thế như vậy, người có chức, có quyền nếu không tự chiến thắng được mình sẽ trượt vào lạm dụng quyền lực. Lạm dụng quyền lực nếu không được ngăn chặn sẽ tiến tới tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực nếu không ngăn chặn được sẽ trượt tới tha hóa quyền lực.
Khi một cá nhân nào đó đã đạt tới tha hóa quyền lực cũng có nghĩa hoạt động của họ đã quay lưng với tôn chỉ, mục đích, lợi ích của Đảng. Đây là mấu chốt, cũng là điểm mới, điểm nhấn làm cho Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp nối Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhưng ở trình độ cao hơn.
Việc vi phạm kỷ luật của ông Trịnh Xuân Thanh hay ông Vũ Huy Hoàng thời gian qua đã rõ ràng, nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực của họ lẽ ra chúng ta phải làm từ sớm. Cơ chế đó phải bảo đảm sự hoàn thiện để ngăn chặn những người có chức, có quyền không dám, không muốn lạm dụng quyền lực thì mới đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của kiểm soát quyền lực. Nếu không có cơ chế, khi phát hiện ra sai phạm chỉ dừng lại ở phê bình, tự phê bình một cách chung chung, trốn trách nhiệm cá nhân vào tập thể thì sẽ không có tính răn đe và cũng không đi vào thực tế.
PV: Hiện tượng “cả nhà làm quan”, “bổ nhiệm người thân”, “sân sau”… như đại biểu Quốc hội nhiều lần phản ánh có phải là biểu hiện của lạm quyền không, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Thanh: Nội dung này là một biểu hiện của sự lạm quyền. Thậm chí, mức độ trầm trọng của nó cũng trượt đến tham nhũng quyền lực. Vì những cán bộ đó không đủ phẩm chất và năng lực, không thực hiện đúng quyền hạn của mình về công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ.
Việc bổ nhiệm đúng quy trình hay không đúng quy trình có cả một cơ quan lớn làm việc đó. Nhưng quy trình đó rất hay cài những kẽ hở để những người có chức, có quyền có thể lách, đưa người thân vào. Vấn đề đặt ra phải tìm ra được kẽ hở. Nếu người đó đúng phẩm chất, năng lực, được bổ nhiệm công khai, dân chủ, minh bạch thì đó cũng là chuyện bình thường, thậm chí, cần được như thế để vững chắc đội ngũ cán bộ.
Nhưng ở đây anh lợi dụng chức vụ để cài cắm người thân bằng kẽ hở rất khó kiểm duyệt. Về vấn đề này cần có cơ quan kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, công tác tạo nguồn phải công khai, minh bạch. Điều quan trọng chính là lương tâm của người có chức, có quyền đứng trước vận mệnh quốc gia, lợi ích dân tộc và danh dự của người đảng viên, cán bộ của mình thì mới bao quát hết được.
Truy trách nhiệm người tham nhũng quyền lực khi đương chức
PV: Mới đây, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Điều này cho thấy không phải cứ “hạ cánh” là hết trách nhiệm?
TS Nguyễn Văn Thanh: Nếu đứng về lý thuyết và nguyên tắc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải làm đúng theo pháp luật. Vi phạm rồi đến khi “hạ cánh” mới phát hiện ra thì đó là trách nhiệm của cơ quan kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ.
Thứ hai, khi “hạ cánh” rồi nhưng anh vẫn là công dân có trách nhiệm. Việc này phải đặt ra cơ chế cụ thể để truy cứu trách nhiệm những người lạm dụng quyền lực, thậm chí, tham nhũng quyền lực trong thời gian còn đương chức, quyền tìm cách này, cách khác để lọt tội. Làm được như vậy để đảm bảo tính triệt để, tính công minh, công khai, khắc phục được những dư luận xấu trong xã hội.
PV: Ông vừa nói đến việc cần có cơ chế cụ thể để truy cứu trách nhiệm của những người lạm dụng quyền lực, tham nhũng quyền lực, cụ thể như thế nào?
TS Nguyễn Văn Thanh: Để xây dựng được cơ chế này cần phải có ý kiến, trí tuệ của tập thể, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở định hướng những nội dung cụ thể và đi đến hoàn thiện nó. Khi hoàn thiện cần pháp luật hóa cơ chế đó. Qua pháp luật hóa cơ chế, mỗi chủ thể trong xã hội nhìn vào đó để thấy được trách nhiệm, quyền hạn của họ đến đâu và thực thi nhiệm vụ ở cương vị của mình.
PV: Nghị quyết nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân, tổ chức đoàn thể. Có ý kiến cho rằng người dân biết rõ cán bộ tốt xấu, giàu nghèo… Quan trọng có cơ chế nào để lắng nghe, tiếp thu và kiểm tra, giám sát?
TS Nguyễn Văn Thanh: Người dân biết nhiều nhưng để ý kiến của họ đến được cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập. Những người làm chức năng kiểm tra, giám sát qua thực tế vừa qua cho thấy cũng chưa triệt để. Đặc biệt việc để những người có chức, có quyền trượt đến mức độ trầm trọng. Theo tôi, phải có cơ chế cụ thể hơn để kịp thời ngăn chặn, để người có chức, có quyền không dám, không muốn, không thể lạm dụng quyền lực được.
PV: Có thể thấy quyết tâm chính trị lớn, quy định pháp luật không phải là thiếu, bộ máy đầy đủ. Quan trọng nhất bây giờ là hành động mạnh mẽ, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Thanh: Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy quyết tâm của Đảng rất cao, các bộ máy đi vào hoạt động đầy đủ. Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền để xã hội hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để người dân, cơ quan, đoàn thể biết nội dung, mục đích, bản chất tốt đẹp ưu việt, tính cách mạng của Nghị quyết. Trên cơ sở đó phải quay về cơ chế thì các chủ thể mới bảo đảm đi vào thực tế.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực tế mới chỉ là phương châm. Còn cơ chế để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng chưa được cụ thể.
Một điểm nữa là các cơ quan kiểm tra, giám sát đôi khi phát hiện vụ việc chậm hơn thông tin của báo chí. Ở đây phải quy trách nhiệm thì mới đi vào cuộc sống.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra nội dung rất rõ ràng, gắn kết với Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó tiến hành các nhóm giải pháp trong đó có phê bình và tự phê bình, giáo dục chính trị… Phê bình để tìm ra được hạn chế, khuyết điểm và phải xác định được đúng mức độ, cấp độ của vi phạm. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những thành phần đó thì tính hiệu lực mới cao. Còn mới dừng lại ở phê bình thì cũng chỉ rút kinh nghiệm trong nội bộ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV