UBND tỉnh trình 9 đề án, tờ trình tại kỳ họp thứ 3, HĐND khóa XIV

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:54 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 UBND tỉnh Điện Biên đã trình 9 đề án, tờ trình về: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, giai đoạn 2016 – 2020...

 

3
Đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình về Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, giai đoạn 2016 – 2020 tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XIV lần thứ 3.

 

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND khóa XIV UBND tỉnh đã  trình tại kỳ họp 9 đề án, tờ trình về: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020; Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020; Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020.

 

3
Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trình bày Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XIV  lần thứ 3.

 

Với Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025: Điện Biên là tỉnh thuần nông, sản xuất tự cung tự cấp còn khá phổ biến, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn chưa đồng đều, quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều; dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn xẩy ra ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân. Chất lượng rừng còn thấp, diện tích trồng rừng đạt rất thấp so với kế hoạch giao, chưa tạo ra vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản…

Để thực hiện thành công nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém trong giai đoạn qua, HĐND sẽ xem xét thông qua Đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với đề xuất mục tiêu như:  Phát triển toàn diện nông lâm nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Chú trọng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế (lúa gạo, ngô, cao su, cà phê, chè, cây lấy gỗ, chăn nuôi đại gia súc); áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây, con; tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Bảo vệ, phát triển rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất, cây công nghiệp và dược liệu theo quy hoạch. Tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương tập trung vào các sản phẩm chủ lực.

 

s
Các đại biểu dự kỳ họp

 

Với đề án Phát triển nguồn nhân lực đã nêu rõ, đến năm 2020 nguồn nhân lực sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 58,7%; công nghiệp - xây dựng 15,6%; dịch vụ 25,7%. Đến năm 2020, toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; có 60% đơn vị hành chính cấp xã và 3 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3. Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 7.800 - 8.200 lao động; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 58,6%...

Với Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020: Mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Điện Biên 100% huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích, 90% di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; có 03 di tích trở lên được trùng tu, tôn tạo, phục hồi; bảo quản 100% số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung. 100% số các dân tộc được kiểm kê, đánh giá; 50% số các dân tộc có các giá trị di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy. Có 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trở lên được lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 01 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.  Có 95% trở lên cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa bàn, hoặc là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương. 50% số cán bộ văn hóa được đào tạo đúng chuyên ngành và 100% số cán bộ văn hóa được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm....

Ngày mai 11/10, kỳ họp thứ 3, HĐND khóa XIV sẽ thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp. Thông tin về  kỳ họp sẽ tiếp tục được cập nhật trên bản tin thời sự Đài PT - TH tỉnh Điện Biên và trên trang thông tin điện tử dienbientv.vn./.

 

 

Tử Long

.