Làm theo chỉ dạy của Bác Hồ về công tác Dân vận.

Thứ Sáu, 07/10/2016, 09:34 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo Người “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".

Ngày 15-10-1949, trên báo Sự thật số 120 đăng bài “Dân vận” của Bác Hồ, với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm đã khái quát một cách sâu sắc, súc tích, ngắn gọn, đầy đủ những vấn đề cơ bản của công tác Dân vận đó là: Cơ sở lý luận và thực tiễn công tác Dân vận; định nghĩa “Dân vận là gì?”, ai là những người làm công tác Dân vận và Dân vận phải như thế nào? Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Bác viết bài báo " Dân vận", chúng ta cùng ôn lại, suy ngẫm và làm theo chỉ dạy của Bác Hồ về công tác Dân vận.

1
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại trạm thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà  Nội năm 1960 ( Ảnh tư liêu)

 

Mở đầu bài báo, Bác viết rất ngắn gọn “Nước ta là nước Dân chủ"; như vậy đã nêu rất tóm tắt bản chất của Nhà nước Việt Nam. Công tác Dân vận là công tác vô cùng quan trọng, quyết định vận mệnh của dân tộc, sự thành bại của cách mạng. Bởi vì: “Bao nhiêu lợi ích đều vì Dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của Dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của Dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của Dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do Dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do Dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi Dân”. Đây chính là tiền đề về công tác Dân vận, quyết định cách thức, mục đích làm công tác Dân vận của Đảng ta.

Theo Người “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho". Nhiệm vụ của công tác Dân vận đó là vận động mọi người mang toàn bộ: “Lực lượng của mỗi người dân” - lực lượng của mỗi người dân ở đây có thể là của cải, vật chất, hay thậm chí là cả sức lực, tính mạng.

Người chỉ rõ 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác Dân vận, đó là:
1. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
2. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với Dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của Dân, cùng với Dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
3. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích Dân.
4. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Công tác Dân vận là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn dân, gồm tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.  Người yêu cầu: Tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách Dân vận và phải: “Cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...”

Để công tác Dân vận thực sự đem lại hiệu quả, về  phương pháp Dân vận, Người đúc kết bằng 12 từ: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; chứ không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Người phê phán và  nhắc nhở: "Nhiều nơi đã mắc sai lầm rất to, rất có hại". Đó là “Xem khinh việc Dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm Dân vận”.

Cuối bài báo, Người kết luận: “Lực lượng của Dân rất to. Việc Dân vận rất quan trọng". Người khẳng định: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng: Để có thành công, thì phải có sự đoàn kết; muốn có đoàn kết thì phải làm tốt công tác Dân vận. Khi đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân thì việc gì cũng thành công.

67 năm (15-10-1949 - 15-10-2016), thời gian đã lùi xa, nhưng những vấn đề rất căn bản, rất cấp thiết  về công tác Dân vận, cùng những nội dung, tư tưởng lớn của tác phẩm "Dân vận" của Bác, vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn cuộc sống hôm nay. Đó là  là một bài học lớn để  Đảng, Nhà nước, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong công tác vận động quần chúng, trong sự nghệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững hiện nay./.

                                

Đỗ Quang Khải.



 

.