Quan chức không được bổ nhiệm con cháu, người nhà?

Thứ Hai, 26/09/2016, 16:24 [GMT+7]

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng phải áp đặt nguyên tắc bao trùm trong việc bổ nhiệm cán bộ là quan chức không được bổ nhiệm người nhà.

Lựa chọn được một đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài luôn là mong muốn của toàn thể nhân dân ta. Song, thực tế cho thấy, công tác cán bộ lâu nay vẫn còn không ít bất cập, nhất là tình trạng “chọn người nhà chứ không chọn người tài”, với những ví dụ đang rất “nóng” như trường hợp “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch vợ làm Cục phó Cục thuế tỉnh hay việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại Tổng công ty Sabeco. Những vụ việc như vậy không chỉ làm cho đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất mà còn khiến người dân phai nhạt niềm tin.  

Muốn thực hiện được thông điệp “chọn người tài, không chọn người nhà” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, muốn chọn được người tài phải tạo ra “cầu” mới có người tài, tức là phải tạo được cạnh tranh lành mạnh. Trong quản trị, giao quyền và trách nhiệm phải rõ ràng hơn.

“Thánh Gióng chỉ xuất hiện khi vua bị sức ép phải kêu gọi tìm kiếm người tài giỏi, nếu không nước sẽ mất. Thánh Gióng xuất hiện đúng vào lúc đó. Không có “cầu”, Thánh Gióng sẽ không xuất hiện, chỉ có người tung hô vua mới xuất hiện”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu dẫn chứng.

1
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, Thủ tướng đã nêu ra hàng loạt giải pháp, định hướng lớn về Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động, nhưng những giải pháp đó khó có thể được thực thi và phát huy hiệu quả, nếu thiếu những con người đủ khả năng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân.

Có một nguyên tắc là áp lực chọn đúng người tài sẽ tạo ra người tài. Không phải chế độ chính sách, không phải trải thảm đỏ thì mới chọn được người tài. Phải đi theo nền kinh tế thị trường, khi có sự cạnh tranh lành mạnh mới tạo ra nhu cầu phải chọn người có năng lực thực sự.

“Hãy xem các doanh nghiệp, trước sức ép cạnh tranh buộc họ phải tìm và chọn được những người thực sự giỏi. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải đi săn đầu người, doanh nghiệp nước ngoài cũng thế. Chính vì vậy phải áp đặt cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của nền công vụ, hành chính”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, Cách mạng Tháng Tám là một cuộc can qua mà ở đó người dân vùng lên xóa bỏ một trật tự xã hội “con vua thì lại làm vua”. Việc bổ nhiệm con, cháu, người thân trong thời gian qua chính là chúng ta đang phản bội lại lời thề của Cách mạng Tháng Tám. Và cũng đồng nghĩa với đó là chúng ta đang tích tụ cho một cuộc can qua mới.

Theo đó, việc bổ nhiệm nhân sự phải có những nguyên tắc cụ thể chứ không phải là những quy trình chung chung. Nguyên tắc bao trùm phải là tất cả quan chức không được bổ nhiệm con, cháu, người thân của mình. TS Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, quyền lực công là của dân chứ không phải là tài sản được thừa kế sẵn có. Dân giao quyền lực cho cán bộ để bảo vệ và phục vụ nhân dân chứ không phải là thứ để ban phát. Hơn nữa, việc lựa chọn người nhà thay vì người tài không chỉ gây xung đột lợi ích mà còn tạo sự bất bình đẳng trong việc trao cơ hội cho các công dân khác.

Thực tế cho thấy, không ít ít quốc gia trên thế giới có cha và con đều làm Tổng thống. Nhưng điều đó khiến dư luận không hề ngờ vực về các vị trí cao nhất của quốc gia khi nằm trong tay gia đình của một người. Bởi ở đó, việc chọn lựa những vị trí cao của quốc gia đều rất minh bạch, công bằng và dân chủ. Đó là sự lựa chọn của nhân dân chứ không phải là sự lựa chọn của một vài cá nhân trong chính quyền của họ.

Khi được hỏi, nếu áp đặt nguyên tắc không được bổ nhiệm người thân thì con, em của cán bộ sẽ không có cơ hội?, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, không nên coi làm lãnh đạo là một sự thành đạt mà làm lãnh đạo là một sự lựa chọn cống hiến. Như vậy, anh phải chịu một thiệt thòi nhất định, trong đó có việc con cái, người thân bị thiệt thòi.

“Là người đại diện quyền lực nhà nước, là đại biểu nhân dân thì tất cả mọi chuyện đều phải minh bạch. Người dân làm sao tin anh được nếu những việc quan trọng anh giao cho con, cháu, họ hàng của mình? Còn nếu anh làm việc đó thì sẽ không xứng đáng với vị trí là người nắm quyền lực công”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng cần phải đổi mới căn bản công tác cán bộ. Đầu tiên, phải dân chủ trong phát hiện nhân tài. Từ các nguồn, các kênh thông tin khác nhau, các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức có cơ chế phát hiện nhân tài, giới thiệu và khuyến khích ứng cử tự do. Tiếp theo là tổ chức cho tranh cử để chọn được người tài hơn. Nhiều người trình bày kế hoạch, chiến lược của mình nếu trúng cử. Sau đó tổ chức cho các ứng cử viên tranh luận với nhau, qua đó người dân mới đủ thông tin để đánh giá và chọn được người xứng đáng vào các vị trí chủ chốt.

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, tranh cử trong chọn cán bộ lãnh đạo, cộng với cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một bộ máy mạnh, hiệu quả và trong sạch.

“Để tiến hành tranh cử lành mạnh cần phải có sự chuẩn bị chín muồi về môi trường, về cơ chế, văn hóa, minh bạch thông tin. Nếu không chuẩn bị các bước đến độ chín thì lúc này đồng tiền cũng có thể tham gia, người nhiều tiền có khi vận động được nhiều phiếu, vì người tài chưa hẳn đã có nhiều tiền”, ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh./.

 

Theo VOV

.