Lạm dụng quyền lực sinh ra "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ"
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chính sự lạm quyền đã đẻ ra kiểu tuyển dụng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”.
Pháp luật hiện hành quy định khá chặt chẽ về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức trong tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, tình trạng lợi dụng quyền lực để cài cắm, đưa người thân vào làm việc gây mất dân chủ, đoàn kết nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người chưa quên câu chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), hay vụ thuyên chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang… thì mới đây câu chuyện ông Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tờ trình gửi Tổng Cục Thuế, trong đó quy hoạch vợ mình, đương chức Trưởng phòng Thanh tra số 1 thuộc Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ chức vụ Cục phó Cục Thuế tỉnh nhà, giai đoạn 2016-2020 và đã được Tổng Cục Thuế đồng ý lại khiến dư luận xôn xao về việc quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ trong bộ máy nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. |
PV: Ông có bình luận gì về câu chuyện ông Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch vợ giữ chức Cục phó Cục thuế tỉnh nhà?
Ông Thang Văn Phúc: Trong Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định những việc không được làm trong công tác cán bộ, như người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được bố trí vợ, chồng, con cái, người thân... giữ chức vụ về tổ chức nhân sự, tài chính-kế toán… Trong luật pháp và chủ trương của Đảng, Nhà nước đã quy định rất rõ, nhưng một số cơ quan có trách nhiệm hoặc cơ quan quản lý ở cấp trên đã không kiểm soát được, dẫn tới tình trạng người thân của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan được giữ chức vụ trong cơ quan nơi họ đang công tác.
Đứng ở phương diện nào đó, nếu không nằm trong phạm trù quy định của pháp luật thì điều đó cũng bình thường. Thậm chí có thời gian dài chúng ta khuyến khích “cha truyền con nối”. Tuy nhiên, chủ trương, pháp luật chúng ta không quy định việc này.
Để kiểm soát việc đề bạt, bổ nhiệm người thân được nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội giám sát, phản biện một cách tích cực, hiệu quả thì sẽ không để lọt cửa nhiều trường hợp như báo chí và dư luận phản ánh. Lỗi chính ở đây là công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như các chế độ báo cáo của cơ quan các cấp có trách nhiệm về công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Chúng ta có hệ thống các cơ quan quản lý nhân sự như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ… nếu nhìn tổng thể thì toàn bộ hệ thống bảo đảm công tác nhân sự khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, trong thực tế có những biểu hiện tiêu cực hoặc đã có những người lợi dụng lỗ hổng của công tác này. Nếu một địa phương hay một cơ quan thiếu dân chủ, lãnh đạo cửa quyền, không chấp hành đúng quy định về công tác cán bộ thì sẽ dễ xảy ra tình trạng có người thân, người nhà ở những vị trí không đúng với quy định của pháp luật.
PV: Ông có cho rằng, để xảy ra tình trạng này do đã có những hạn chế về công tác đào tạo cán bộ nguồn những như công tác giám sát của một số cán bộ được trao quyền lực?
Ông Thang Văn Phúc: Chúng ta quy định rất rõ việc hàng năm, cơ quan sử dụng cán bộ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiêm, đề bạt cán bộ báo cáo cơ quan quản lý để phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, lâu nay việc này chưa được làm chặt chẽ, chưa chuẩn mực và có nhiều lỗ hổng cho nên người ta có thể lợi dụng, “lách” được luật. Vì vậy, cần tiến hành rà soát, kiểm tra để phát hiện những bất hợp lý, cần thiết tiến hành điều chỉnh kịp thời.
Về mặt xã hội, dư luận không dễ chấp nhận cơ quan nhà nước có vợ, chồng, con cái, thậm chí nhiều người thân làm cùng, không khác gì cơ quan gia đình. Bản thân người lãnh đạo cũng phải kiểm điểm, điều chỉnh việc này và cũng phải là người gương mẫu chấp hành.
Việc thực hiện các chế độ nhân sự mới theo phương thức cạnh tranh thi tuyển đầu vào các vị trí công chức sẽ hạn chế các tiêu cực hiện nay. Thực tế cũng rõ là khi đấu tranh trong nội bộ không tốt, người lãnh đạo vi phạm dân chủ, vi phạm các quy trình hay lạm quyền trong công tác nhân sự khiến dễ xảy ra hậu quả như đã thấy. Vì phần lớn cán bộ, công chức các cơ quan là đảng viên nên không thể nói họ không biết chuyện này, vấn đề là đấu tranh trong nội bộ chưa tốt, nể nang nên xuê xoa cho nhau.
Nếu chúng ta không có những công cụ, phương tiện kiểm soát quyền lực, hạn chế những nguy cơ thì dần dần những cơ quan chính quyền, những tổ chức của nhà nước, những tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước thành những tập đoàn của dòng họ, gia đình... Vì vậy, gốc của vấn đề chính là ý thức trách nhiệm trong thực thi chức trách của người đứng đầu cơ quan, thứ hai là tính gương mẫu chấp hành pháp luật của họ trong thực hiện; thứ ba là việc tuân thủ nguyên tắc dân chủ trong công tác cán bộ.
Giai đoạn 2001-2010 đã có thi tuyển lãnh đạo, quản lý ở Đà Nẵng, Long An, TPHCM, sau này có Quảng Ninh, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp... đã tạo ra khí thế mới. Thông qua thi tuyển cạnh tranh công bằng để bổ nhiệm cũng như thực hiện các chế độ nghiêm ngặt trong đào tạo, thi tuyển đầu vào, thi nâng ngạch… để chọn được đội ngũ cán bộ tốt.
Làm sao khắc phục được tình trạng “con ông cháu cha”? Các quy định trong thực hiện chế độ công vụ thực tài đang là xu hướng chúng ta đang làm. Tức là từ khâu tuyển đầu vào của công chức đến việc nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm đều phải theo quy định thi tuyển cạnh tranh một cách công khai, minh bạch.
Từng vị trí, chức danh đều phải có tiêu chuẩn cụ thể. Cần rà lại tất cả các quy định và khẩn trương xây dựng chế độ công chức, công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch thì sẽ khắc phục được những lỗ hổng của công tác nhân sự, có như vậy chúng ta mới thực sự lựa chọn đúng người tài, người có đủ trình độ năng lực, phẩm chất cho một vị trí lãnh đạo hay quản lý.
Tôi cho rằng, cán bộ mới là người chịu trách nhiệm về việc vận hành toàn bộ bộ máy. Chúng ta mất nhiều công để làm pháp luật, chính sách cũng như quy chế nhưng người chấp hành nghiêm túc và có trách nhiệm chính là đội ngũ cán bộ các cấp. Phải đi vào cốt lõi thể chế cán bộ của ta, phải tìm “lỗ hổng”, những yếu kém của ta, từ đó tăng cường chăm lo hơn về lĩnh vực này. Có như vậy chúng ta sẽ thực hiện được những chức năng, nhiệm vụ mới của bộ máy nhà nước, và những mục tiêu phát triển, hội nhập của đất nước.
Như Bác Hồ đã từng nói: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ này trong điều kiện hội nhập thế giới, kinh tế thị trường thì nền hành chính, công vụ này phải phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển, những đòi hỏi đó buộc phải có một đội ngũ cán bộ công chức tương xứng.
Tôi rất tâm đắc với quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ khóa mới là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân. Điều đó đòi hỏi những chuẩn mực mới để tạo ra sinh lực mới cho một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ phát triển.
PV: Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ông có cho rằng cần phải có chế tài nếu người đứng đầu không làm gương, để xảy ra sai xót trong quản lý?
Ông Thang Văn Phúc: Điều đó là đúng. Trong luật đã quy định công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh việc đó. Công chức từ chuyên viên, chuyên viên chính tới chuyên viên cao cấp phải có chế độ sát hạch hàng năm thì mới khuyến khích được công chức có ý thức trong việc thực thi chức trách của mình. Đồng thời, bản thân công chức phải có ý thức tự học tập, nâng cao trình độ. Khi đáp ứng đủ các yếu tố thì cán bộ, công chức mới giữ được vị trí của mình hoặc được thăng tiến.
PV: Những lùm xùm liên quan đến một số bộ, ngành mà dư luận lên tiếng thời gian qua phải chăng do một số cán bộ không gương mẫu, chưa công tâm trong việc cất nhắc, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, thưa ông?
Ông Thang Văn Phúc: Đúng là có yếu tố lợi ích của cá nhân ở đây. Luật Hồng Đức thời Lê sơ quy định: quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản; không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. Tất cả những quy định này đều nhằm tránh quan lại vơ vét của cải trong dân hoặc để người thân tín lợi dụng nhũng nhiễu nhân dân.
Cách đây hơn 500 năm những nhà quản trị đất nước tiền nhiệm đã tìm cách ngăn chặn, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người thân cũng như chống tệ tham nhũng của một số quan lại. Song, bây giờ, dù xã hội hiện đại nhưng tâm lý người phương Đông vẫn duy tình hơn duy lý, chính điều đó làm cho nền công vụ hiện đại có nguy cơ trở nên méo mó. Chính sự lạm quyền đã đẻ ra kiểu tuyển dụng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”, đè nặng lên hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước.
Nếu chúng ta không tạo ra các chuẩn mực và người lãnh đạo thiếu gương mẫu, không tuân thủ một cách nghiêm ngặt thì rất dễ xảy ra sai sót, những vấn đề làm xã hội bất bình.
PV: Câu chuyện cả họ làm quan, không thi tuyển tìm người tài mà chỉ lo gài người nhà đã không còn mới, những trường hợp này khi bị phát hiện đều được lý giải là đúng quy trình, do ngẫu nhiên. Theo ông, có nên luật hóa bổ nhiệm cán bộ, công chức để hạn chế tình trạng trên?
Ông Thang Văn Phúc: Những điều đó trong luật đã quy định, nhưng nên cụ thể hơn đối với từng trường hợp. Các quy định về tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo , quản lý hiện nay dù khá chặt chẽ nhưng lại thiếu cụ thể, chưa bao quát hết vị trí làm việc, chức danh, chức vụ đối với người được tuyển dụng, bổ nhiệm là người thân của người ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, do điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm áp dụng chung cho mọi đối tượng nên khó tránh bị lợi dụng để đưa người thân hoặc người kém năng lực vào làm việc.
Như trường hợp chồng quy hoạch vợ là một tình huống tự quyền, họ bất chấp pháp luật bởi rõ ràng là sai quy định. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân tỉnh phải khuyên họ, nếu muốn quy hoạch vợ của mình thì nên quy hoạch ở đơn vị, vị trí khác, hoặc lĩnh vực khác. Các cơ quan công quyền, các vị lãnh đạo phải có tính chính trị, không thể bất chấp dư luận. Dù anh có muốn khách quan, nhưng về mặt tâm lý, về mặt xã hội không chấp nhận được.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV