Khó khăn trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp
Điện Biên TV - Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 1.060 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (NKVNN) với trên 39.000 lao động. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp NKVNN hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện nhằm xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN. Kịp thời kiện toàn, củng cố các tổ chức đảng, đoàn thể hiện có, đồng thời chú trọng việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN khi đủ điều kiện.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN vẫn còn nhiều hạn chế, do đó số lượng tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp NKVNN chưa tương xứng với quy mô, sự phát triển của các doanh nghiệp, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần và không còn vốn Nhà nước. Nội dung, phương thức hoạt động của nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN còn lúng túng, chưa thể hiện rõ vị trí, vai trò của tổ chức, không đóng góp được nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp, nên ảnh hưởng của tổ chức đảng, đoàn thể đối với chủ doanh nghiệp, người quản lý và công nhân, lao động trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, hoạt động khó khăn.
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2016. |
Theo số liệu thống kê, đến tháng 9 năm 2016, toàn tỉnh có 19/1.060 doanh nghiệp NKVNN có tổ chức đảng (chiếm tỷ lệ 1,79%), trong đó có 4 đảng bộ cơ sở và 11 chi bộ cơ sở, 4 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 309 đảng viên. Đối với các đoàn thể: có 57/1.060 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (chiếm 5,38%) với tổng số 1.740 đoàn viên; có 14/1.060 doanh nghiệp có tổ chức đoàn thanh niên (chiếm 1,32%) với tổng số 739 đoàn viên; có 4/1.060 chi hội Cựu chiến binh (chiếm 0,38%) với 56 hội viên.
Những số liệu trên cho thấy số lượng các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh (bình quân chưa đạt 2%). Cũng theo đánh giá thì hoạt động của một số tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN chưa thực sự hiệu quả, còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung sinh hoạt, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, chưa phát huy hết được vai trò, trách nhiệm của mình.
Hạn chế này được xác định do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: một số cấp ủy cơ sở đảng chưa thấy được đầy đủ vai trò, vị trí, nhiệm vụ của tổ chức đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cơ sở chưa thật sự đúng mức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên, sâu sát. Một số chủ doanh nghiệp NKVNN chưa hiểu rõ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, cho rằng việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên còn băn khoăn, chưa thực sự ủng hộ, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức này. Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của các doanh nghiệp NKVNN chủ yếu là vừa và nhỏ, số lượng công nhân ít, trong đó các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH phát triển từ kinh doanh hộ gia đình chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN tại tỉnh gặp không ít khó khăn.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp, các đơn vị cơ quan nhà nước, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 34 tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích trong xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. |
Để khắc phục những khó khăn trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN. Trong thời gian tới, cấp ủy cấp trên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự cần thiết của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng; đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên nhưng đã có các đoàn thể chính trị - xã hội thì phải tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên; đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đoàn thể, tiến hành khảo sát nắm bắt tình hình, chỉ đạo tích cực việc chuẩn bị để thành lập tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần quan tâm chăm lo, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; tăng cường thông tin, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động./.
Phong Lâm