Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt những vấn đề nóng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế tuy khó khăn, nhưng còn thời gian, cơ hội thì quyết tâm thực hiện.
Thủ tướng chỉ đạo các vấn đề nóng
Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 2/8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua đạt một số kết quả nhất định, nhưng vẫn có nhiều thách thức.
Đó là mùa mưa bão đang đến, đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó sản xuất công nghiệp mà đặc biệt là khai khoáng tăng trưởng thấp.
Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ |
Tiến độ thu ngân sách đạt khoảng 500.000 tỷ đồng, chỉ đạt 49,4% dự toán năm.
Xuất khẩu chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 10% của năm nay.
Tiêu dùng trong nước cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí các dự án BOT chưa hợp lý.
Sau khi phân tích về các thuận lợi, khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm nay.
Kịch bản thứ nhất có khả quan là cả năm tăng trưởng 6,27%. Kịch bản thứ 2 có thể đạt được là cả năm tăng 6,5%. Kịch bản thứ ba khó đạt được là cả năm tăng 6,7%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, muốn đạt được mức tăng này thì các ngành phải hết sức nỗ lực, quyết liệt và tập trung cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù sản xuất khó khăn nhưng vẫn còn dư địa về nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, có giá trị cao.
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị Bộ Công thương phối hợp để khai thác các thị trường xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm gạo, tôm.
Và đặc biệt, các địa phương phải chủ động ứng phó mưa bão, vì một cơn bão có thể tàn phá tất cả những nỗ lực của cả ngành.
Theo Bộ Công thương, Bộ chủ trương chỉ đạo tăng sản lượng khai thác dầu, tăng cường kết nối với doanh nghiệp FDI để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu gạo, trong đó có thị trường Trung Quốc, Philippines; đẩy mạnh xuất khẩu tôm và sản phẩm thủy sản khác sang thị trường Hoa Kỳ.
Bộ Công thương cũng cho rằng cần giữ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, Bộ đề nghị NHNN đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước.
Thông tin đáng mừng là Hà Nội và TP.HCM đang đóng góp 35% GDP cả nước. Hai trung tâm kinh tế này cho biết sẽ nỗ lực để đạt các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm nay.
Hà Nội cũng cho hay, liên quan tòa nhà số 8B Lê Trực, hiện đã phá dỡ được 1/3 khối lượng công việc và sẽ quyết tâm triển phá dỡ trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, làm ngay một số việc, đó là các bộ, ngành chức năng và địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 2 có thể có hoàn lưu lớn, có thể mưa gây ngập. Nếu không chủ động thì gây ảnh hưởng đến lúa ở đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng với đó là phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết rất tràn lan ở Tây Nguyên, cần ngăn chặn hiệu quả hơn, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về vụ tin tặc tấn công trang mạng của Việt Nam Airlines, Thủ tướng cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng.
Nhiều đơn vị còn chủ quan, mất cảnh giác dù được Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cảnh báo.
Thủ tướng đề nghị: “Các cơ quan thực hiện kiến nghị của Bộ Công an. Đó là, Bộ Thông tin truyền Thông, Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng thông tin tuyên truyền, tránh gây hoang mang dư luận và phản bác những luận điệu kích động, xuyên tạc. Các bộ, cơ quan, các Tập đoàn, Tổng Công ty quan trọng, các Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Công an rà soát kiểm tra hệ thống mạng, nhằm phát hiện loại trừ mã độc, ngăn chặn cuộc tấn công mạng có thể tiếp tục xảy ra”.
Người dân và doanh nghiệp là trọng tâm để phát triển
Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng, dù tình hình còn khó khăn nhưng không bàn lùi.
Chủ trương nhất quán của Chính phủ là: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”.
Toàn cảnh phiên họp |
Nhưng điều quan trọng nhất là các cấp, các ngành, hệ thống chính trị phải thấm nhuần, quán triệt tinh thần này, để cả hệ thống chuyển động, tháo gỡ các rào cản, để người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Đi vào những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương xây dựng Nghị định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Trung ương, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Đó là Chính phủ làm tốt chức năng quản lý Nhà nước và thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Những người làm việc trong cơ quan công quyền phải làm việc tận tụy, phục vụ, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi để làm điều đó.
Thủ tướng nêu rõ: “Nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 6,7% năm nay tuy khó, nhưng tinh thần chỉ đạo nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là còn thời gian, còn cơ hội. Còn cố gắng được thì kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức. Không lùi bước rồi nhưng phải có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần kỷ cương kỷ luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực”.
“Chúng ta đã đạt con số đáng mừng trong tháng 7 này, dù khoảng cách so với kế hoạch còn cao nhưng nguồn lực còn rất lớn. Giải ngân một bộ, ngành trước đây chỉ 18% thì nay đã hơn 40%, cũng rất đáng mừng rồi. Nhưng nếu tiền không ra được xã hội thì các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng không được giải quyết sẽ khó có thể tăng trưởng được. Cho nên tinh thần là nỗ lực phấn đấu cao nhất, những mục tiêu nhiệm vụ đề ra”.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo việc hỗ trợ doanh nghiệp phải thực chất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.
Trong đó, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 và 35. Các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết này.
Phiên họp tới, Chính phủ sẽ đánh giá cụ thể những vấn đề những việc làm được và chưa được cả Nghị quyết 35.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả, ổn định vĩ mô. Đặc biệt là giảm bội chi ngân sách tiến tới cân đối ngân sách tích cực hơn.
Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phải đột phá trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, vì nhiều tổ chức cá nhân phản ánh còn nhiều vướng mắc.
Cùng với đó có biện pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải cho doanh nghiệp vốn đang quá cao, trong đó có thể giảm từ 10 đến 20% phí BOT như công bố của Bộ Giao thông Vận tải sau khi điều tra tổng hợp.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải có đề án giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu giảm chi phí khởi nghiệp. Các trung tâm khởi nghiệp phải hỗ trợ một số tỉnh chưa làm tốt công tác này, nhất là hỗ trợ đổi mới sáng tạo mà một số tỉnh còn chưa triển khai.
Ngân hàng Nhà nước cần khơi thông nguồn vốn, tạo vốn với chi phí thấp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân hàng Nhà nước cũng phải làm rõ nợ xấu thực chất hiện nay ra sao; vấn đề mua Ngân hàng với giá 0 đồng; tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Về thu ngân sách, Chủ trương của Chính phủ là thu đúng thu đủ, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, nhưng không tăng thuế, phí, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy giải ngân, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn, kể cả vốn ODA, xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân gây khó khăn trong quá trình giải ngân.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo, kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt để đạt các chỉ tiêu công nghiệp.
Bên cạnh đó xúc tiến phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ứng phó với biến đổi khí hậu và mưa lũ, đảm bảo tăng trưởng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các đầu lậu, đồng thời nêu rõ Chính phủ tuyên chiến với quốc nạn buôn lậu, gian lận thương mại.
Đối với công tác công vụ, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ ở cấp cơ sở. Tập trung trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Đối với việc hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung gặp thiệt hại do sự cố môi trường, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành địa phương phân bổ, thanh toán tiền bồi thường của Formosa đến người dân, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo đúng quy định, đồng thời, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm các cam kết./.
Theo VOV