Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Thứ Năm, 04/08/2016, 19:19 [GMT+7]

Điện Biên TV – Hôm nay (4/8), Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ 3. Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự chủ trì của đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm.

c
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Lò Văn Muôn nhấn mạnh: Các chất vấn của các vị đại biểu HĐND tỉnh gửi về Thường trực HĐND tỉnh đã được chuyển tới cơ quan chức năng liên quan làm rõ. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn một số nội dung quan trọng, nổi bật được đông đảo cử tri quan tâm để yêu cầu trả lời tại hội trường. Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả, giải quyết đến tận cùng vấn đề, đồng chí đề nghị các đại biểu, đại diện cơ quan chức năng phát huy cao trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể.

Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, tại phiên chất vấn, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương đã giải trình, trả lời chất vấn về các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm. Cụ thể là các nội dung liên quan tới việc 2 nhà máy chế biến gỗ tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo vẫn chưa đi vào hoạt động; thông báo lộ trình, danh mục đầu tư lưới điện quốc gia (cụ thể đến từng xã, bản thuộc các huyện, thị xã, thành phố và thời gian thực hiện).

Theo đó, đối với nội dung liên quan tới việc 2 nhà máy chế biến gỗ tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo vẫn chưa đi vào hoạt động, theo giải trình của ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết tình hình hoạt động hiện nay của 2 nhà máy: Nhà máy chế biến tre, gỗ công nghiệp của Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên thì theo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn, Công ty đã thực hiện di chuyển một số máy móc, thiết bị chính ra khỏi địa bàn tỉnh. Do đó, nhà máy không còn khả năng hoạt động chế biến gỗ.

Đối với Nhà máy chế biến gỗ ghép thanh kết hợp sản xuất ván dăm do Công ty Cổ phần Rừng Việt Tây Bắc đầu tư, thì từ khi khánh thành cho đến nay hầu như không hoạt động. Tháng 11/2015, Công ty đã tháo dỡ và di chuyển một số máy móc, thiết bị ra khỏi địa bàn tỉnh mà không thông báo cho cơ quan liên quan. Đến ngày 24/3/2016, Công ty đã di chuyển một số máy móc, thiết bị về lắp đặt tại nhà máy; ngày 22/4/2016 có Công văn số 06-16/CV-RVTB xin tạm dừng hoạt động của nhà máy và không hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có các giải pháp cụ thể đối với từng nhà máy: Đối với Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Rừng Việt Tây Bắc, ngày 18/12/2015, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án nhà máy chế biến gỗ của công ty. Tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy, đề nghị công ty chủ động tiếp cận nguyên liệu ở các vùng, khu vực trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch; thực hiện liên kết với các hộ dân để trồng rừng, thu mua nguyên liệu theo thỏa thuận, hài hòa lợi ích giữa các bên. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, đặc biệt là các huyện có nhà máy tăng cường triển khai trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán để tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho nhà máy; tiếp tục chỉ đạo các huyện thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/3/2013 của UBND tỉnh, trước mắt ưu tiên thực hiện tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, làm cơ sở cho các chủ rừng chủ động trồng rừng hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trồng rừng, phát triển nguyên liệu…

c
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

 

Đối với Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án nhà máy. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Công ty chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục về đầu tư; chủ động tiếp cận nguồn nguyên liệu trồng rừng… Đến nay, mặc dù đã được cơ quan liên quan chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện nhưng Công ty chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án nhà máy.

Giải trình về lộ trình, danh mục đầu tư lưới điện quốc gia, lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Danh mục đầu tư lưới điện quốc gia thực hiện theo danh mục kèm theo Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 – 2020. Quy mô dự kiến đầu tư xây dựng cấp điện cho 12.287 hộ thuộc 276 thôn, bản trên địa bàn 89 xã thuộc 8 huyện của tỉnh; xây dựng mới 195 trạm biến áp; 488,013km đường dây trung áp 35kv và 670,707km đường dây hạ áp 0,4kv.

Căn cứ nguồn vốn Trung ương giao năm 2015 và năm 2016 là 45 tỷ đồng, tỉnh bố trí vốn đối ứng 13 tỷ đồng. Để xóa các xã tắng không có điện, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 gói thầu (dự kiến hoàn thành vào quý IV/2016) thuộc 19 thôn, bản trên địa bàn các xã: Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) có 7 thôn, bản; Huổi Mí (huyện Mường Chà) 6 thôn, bản; 6 thôn, bản thuộc xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo). Dự kiến cấp điện cho 936 hộ, xây mới 17 trạm biến áp; 47,755km đường dây trung áp 35kv và 40,262km đường dây hạ áp 0,4kv.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh, thể hiện qua chất lượng của các nội dung chất vấn; trả lời rõ, trúng vấn đề mà cử tri quan tâm.

Tại phiên làm việc, HĐND tỉnh đã nghe UBND tỉnh giải trình 67 ý kiến tham gia vào các nội dung do UBND tỉnh trình tại kỳ họp; đồng thời tham gia thảo luận tại hội trường. Nổi bật là các nội dung liên quan tới các vấn đề: Chính sách đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc; tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc; khai thác mỏ đá Xá Nhè (huyện Tủa Chùa); Tờ trình về Quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên…

 

Diệp Xuân
 

.