Công tác cán bộ: Phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, "lợi ích nhóm"
Vẫn còn tình trạng tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm chi phối việc đánh giá cán bộ nên chưa phản ánh đúng, chính xác về năng lực của cán bộ
Trong suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến công tác cán bộ từ đánh giá, lựa chọn, đào tạo, thử thách đến sử dụng và đãi ngộ. Người cho rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Quán triệt sâu sắc lời di huấn của Hồ Chí Minh và trên cơ sở đúc kết bài học kinh nghiệm quốc tế, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt trong sự nghiệp đất nước.
Qua mỗi kỳ Đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác tổ chức, cán bộ ngày càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạnh của mỗi giai đoạn. Trong mỗi nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đều ban hành Nghị quyết, chỉ thị chuyên đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ với quan điểm và nội dung mới, bám sát Nghị quyết đại hội đã đề ra.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, công tác cán bộ thời gian qua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới và tiến bộ ở từng khâu, từng việc phù hợp với từng giai đoạn. Trong thực hiện công tác cán bộ đã gắn kết các khâu để tạo ra sự đổi mới đồng bộ. Kể từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đã có riêng một Nghị quyết về cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng- đây là một chặng đường đổi mới về cả nội dung và cách làm. Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, hướng dẫn, mang lại nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu lực trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, thực hiện các nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương, công tác đánh giá cán bộ đã được triển khai và thực hiện theo một quy trình khá chặt chẽ, bài bản, như bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi cán bộ công tác đánh giá; cơ quan tổ chức theo dõi cán bộ đánh giá; cấp ủy nơi cư trú và nơi công tác đánh giá… Do đó công tác cán bộ nói chung, việc nhận xét đánh giá cán bộ nói riêng đã từng bước đi vào nền nếp và có chuyển biến tích cực.
“Lợi ích nhóm” chi phối công tác đánh giá cán bộ
Tuy nhiên, công tác cán bộ nói chung và từng khâu của công tác cán bộ nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đạt được mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương việc đánh giá đúng đắn, chính xác cán bộ chỉ có thể thông qua hành động thực tế và những biểu hiện ra bên ngoài của cán bộ đó, không thể đánh giá được tư tưởng, suy nghĩ trong đầu, trong tim của cán bộ. Nói chung bản chất bên trong và hiện tượng bộ lộ ra bên ngoài là thống nhất, nhưng nhiều khi cái bản chất xấu lại được che đậy bằng những hiện tượng tốt giả dối nên trong trường hợp đó rất khó đánh giá là người tốt hay người xấu và rất có thể bị đánh giá sai.
“Tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn khá phổ biến ở các cấp. Không ít trường hợp nhận xét, đánh giá đối với cán bộ còn chủ quan, cảm tính cá nhân, dễ người dễ ta, cục bộ. “Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm hoặc bị các mối quan hệ xã hội khác chi phối, nên công tác cán bộ vẫn chưa phản ánh đúng, chính xác về năng lực của cán bộ, ảnh hưởng đến chất lượng chung của công tác cán bộ”-ông Nguyễn Đức Hà nhận định.
Do chưa có quy chế về nhận xét, đánh giá cán bộ, chưa có quy định tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể đối với từng chức danh cán bộ nên việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn mang nặng định tính, chưa có định lượng cụ thể. Vì thế những người có trách nhiệm đánh giá cán bộ thường dùng những cái “thước riêng” của mình nên việc nhận xét, đánh giá đối với cá bộ có thể khác nhau, trái ngược nhau. Thậm chí vẫn một người đó, vẫn người đó đánh giá và vẫn dùng cái “thước” đó, nhưng hôm qua và hôm nay lại đánh giá khác nhau. Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng “thực tế cho thấy, việc lấy ý kiến có ghi tên và không ghi tên đã rất khác nhau. Khi lấy phiếu tín nhiệm có ghi tên và khi bầu cử bằng phiếu kín không ghi tên cũng thể hiện rất khác nhau”.
“Việc nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục, chưa lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá. Công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ chất lượng chưa đồng đều, chưa có tầm nhìn xa và chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi. Quy hoạch cán bộ chưa thực sự gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương và giữa các ngành, các lĩnh vực công tác với nhau. Cơ chế quản lý, giám sát cán bộ và chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn thiếu chính xác”- PGS.TS Trần Minh Tuấn phân tích.
Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ
Việc đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định ý nghĩa quyết định của nhân tố con người trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong những năm tới, trước hết các cấp ủy đảng cần phải luôn nắm vững và kiên định đường lối đổi mới toàn diện, vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tổ chức và cán bộ. Nắm vững quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, “phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm. Công khai các lĩnh vực công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm. Thông qua đó để xem xét, đánh giá cán bộ”.
Ông Nguyễn Đức Hà cũng cho rằng, phải kết hợp chặt chẽ việc nhận xét, đánh giá cán bộ với các khâu khác của công tác cán bộ. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác quy hoạch cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Quy hoạch cán bộ phải gắn với các khâu khác của công tác cán bộ, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, liên thông giữa cấp trên và cấp dưới trong hệ thống chính trị, phải đảm bảo phương châm “động”, “mở” và có 3 độ tuổi. Tăng cường việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch từ các cơ quan Trung ương về địa phương, tư các địa phương về Trung ương và từ địa phương này sang địa phương khác. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, để khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hoa các quan điểm về công tác bộ, Bổ sung, hoàn thiện và ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu công tác cán bộ. Đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất, tín nhiệm thấp… mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác./.
Theo VOV