"Có những người muốn vào Quốc hội với động cơ cá nhân"

Thứ Ba, 02/08/2016, 15:36 [GMT+7]

Ông Vũ Mão cho rằng: Động cơ để ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội cơ bản xuyên suốt là rất tốt nhưng không phải không có những người mang động cơ cá nhân.

Một nhiệm kỳ mới, hoạt động của Quốc hội có đáp ứng được mong mỏi của cử tri hay không, có xử lý thấu đáo những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hay không, điều đó tùy thuộc phần lớn vào năng lực, trách nhiệm của những vị đại diện dân cử. Câu khẳng định này đã trở nên quen thuộc nhưng để vận hành nó một cách đúng nghĩa, có chất lượng là điều không dễ và còn nhiều vấn đề đặt ra.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

1
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

PV: 494 đại biểu Quốc hội khóa XIV đã chính thức bước vào hoạt động trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nhưng cụm từ “quyền lực cao nhất” ở đây chắc chắn không thể được hiểu đó là quyền lực của riêng mình và vì mình, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Đại biểu Quốc hội là người đại diện nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Vì vậy, mỗi đại biểu cần ý thức rằng luôn luôn làm tròn trách nhiệm đại biểu của mình. Trước hết là phải xứng đáng với những tiêu chuẩn khi nhân dân tín nhiệm. Khi vào Quốc hội thì phải có trí tuệ, tâm huyết, có tầm nhìn và cách nhìn toàn diện kể cả đối nội và đối ngoại, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Như Quốc hội khóa XIII khi đến cuối khóa thì có vấn đề về Bộ luật Hình sự 2015, có nhiều vấn đề cần phải làm lại, nên bộ luật không thể triển khai được, đó là điều chưa từng có trong lịch sử Quốc hội.

Đây là thiếu sót rất quan trọng và phải rút kinh nghiệm. Phải đi đến cùng, xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể phụ trách lĩnh vực để làm tốt hơn, xứng đáng là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

PV: Từ việc không xác nhận tư cách 2 đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ XIV và 2 đại biểu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII bị bãi nhiệm có thể thấy có những người muốn vào cơ quan quyền lực vì động cơ mục đích cho riêng mình, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Điều đó cũng dễ hiểu. Động cơ để ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội cơ bản xuyên suốt là rất tốt nhưng không phải không có những người mang động cơ cá nhân. Vừa qua, một số cá nhân bị bãi nhiệm hoặc không được công nhận đại biểu Quốc hội thì rõ ràng động cơ của họ không trong sáng. Họ muốn vào Quốc hội để có lợi cho mình, để bản thân có giá trị cao, được mọi người tín nhiệm, có lợi cho họ trong môi trường công tác… Đó là bài học kinh nghiệm rất lớn.

Để xảy ra việc này phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan phụ trách về vấn đề bầu cử, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

PV: Thưa ông, có cách nào để những con người không vì nhân dân sẽ không vào được vào cơ quan quyền lực?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, cần phải kiểm điểm lại quy trình lâu nay chúng ta làm. Những người có trách nhiệm nói họ làm quy trình đầy đủ theo đúng thủ tục, nhưng đó chỉ là cách nói.

Trước hết phải thấy được trách nhiệm của những người làm công tác bầu cử ở các cấp, đồng thời cũng phải rà soát lại quy trình, thủ tục lâu nay đã đầy đủ chưa? Theo tôi vẫn chưa đầy đủ.

Về nhân sự, ứng cử viên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, cần phải đưa ra nhiều văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục xác đáng, để không lọt những người cơ hội làm đại biểu Quốc hội, làm mất uy tín cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

PV: Theo ông, để làm tròn trọng trách đại diện cho quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân, đại diện cho tâm tư, ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, mỗi đại biểu Quốc hội cần tư chất nào khác ngoài những tiêu chuẩn theo luật định?

Ông Vũ Mão: 5 tiêu chuẩn theo luật định cũng đã tương đối đầy đủ. Song cần nhấn thêm tinh thần trách nhiệm, tâm huyết phải làm hết mình vì lời hứa với nhân dân.

Cũng có khía cạnh cần quan tâm là ở mỗi đơn vị bầu cử thường có 2-3 đại biểu. Có khi đại biểu này còn dựa dẫm vào đại biểu kia. Khi tiếp xúc cử tri, có người nào đó bận rộn nhờ người còn lại tiếp xúc cử tri hộ, có vấn đề gì thì truyền đạt lại. Theo tôi, cách đó là không được.

Ngay cả khi tiếp xúc cử tri thì đại biểu có lắng nghe không, có ghi chép đầy đủ không, nguyện vọng đó có đi đến cùng không…Vẫn còn nhiều đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Những người theo đến cùng kiến nghị của cử tri để giải quyết đến nơi, đến chốn có lẽ chỉ có vài ba chục %, tỷ lệ đó là quá thấp. Vì vậy, đại biểu cần phải phấn đấu, cố gắng hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng để tiếng nói của đại biểu Quốc hội có chất lượng, hiệu quả và có sức tác động đến chính sách, chỉ bản lĩnh, năng lực của đại biểu Quốc hội chưa đủ, quan trọng hơn là đổi mới để Quốc hội thực quyền. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Vũ Mão: Trước hết, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mình, đi vào thực chất hơn nữa. Tôi còn nhớ Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII, tinh thần đổi mới thời kỳ đó sục sôi lắm, bừng bừng khí thế, có nhiều dấu ấn rất quan trọng.

Tôi vẫn lo ngại, liệu có chủ quan, thỏa mãn không khi mà khóa sau nói đổi mới rất nhiều, đổi mới hơn khóa trước.

Ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chúng ta đã có đổi mới về chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ trả lời bất cứ câu hỏi nào của đại biểu. Thời điểm đó thấy không khí sôi nổi hơn, thoải mái hơn. Nhưng khi vào thực chất, cải tiến đó hẳn là đổi mới chưa, chất lượng chưa thì cũng phải nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm.

Cái khác, có lẽ đại biểu Quốc hội của ta chưa làm việc hết mình. Ở các nước, từng luật, vấn đề một, các đại biểu không chỉ thảo luận trong 8 tiếng giờ hành chính mà họ thảo luận suốt ngày đêm đến bao giờ xong mới thôi. Không bắt buộc ai cũng phải ngồi, nhưng những người quan tâm, có trách nhiệm thì phải ngồi đến cùng. Cho nên phương thức sinh hoạt của Quốc hội cũng nên thảo luận làm rõ.

Về vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Điều 4 Hiến pháp đã quy định Đảng lãnh đạo đất nước, xã hội nhưng Đảng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Nhưng cơ chế, pháp luật, văn bản nào quy định rõ ràng nội dung cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng?

Vừa qua đã có một số cải tiến, đổi mới nhưng chưa căn cơ, căn bản nên phải có thảo luận kỹ càng hơn để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, để làm sao Quốc hội thực sự làm đúng vai trò của mình.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

Theo VOV

.