Cách mạng Tháng 8 và việc giành chính quyền ở tỉnh Lai Châu năm 1945
Điện Biên TV - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Chiều ngày 2/9 năm đó, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 71 năm đã qua, và mãi về mai sau, cuộc Cách mạng “mùa Thu” ấy sẽ vẫn là một dấu mốc son chói lọi, in đậm trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( ảnh internet ) |
Cách mạng “mùa Thu” năm 1945, đến với tỉnh Lai Châu (khi đó bao gồm hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La ngày nay) muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, nên có người đã ví sự chậm chễ này là “Thu muộn ?!!!”. Việc này lý do có nhiều, song cơ bản vì Lai Châu là tỉnh miền núi, giao thông cách biệt với miền xuôi, đi lại rất khó khăn, lại bị chế độ thực dân phong kiến quản chế chặt chẽ, kìm hãm nặng nề, nên ảnh hưởng của cách mạng và của Đảng đến với đồng bào các dân tộc nơi đây chưa nhiều. Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra và đã thành công trên cả nước, nhưng chỉ đến khi tỉnh Sơn La đã giành được chính quyền (ngày 26/8/1945), thì tin về sự kiện này mới được truyền đến tỉnh Lai Châu. Cũng cần nói rõ thêm, cùng thời điểm này, tại Lai Châu, ông Điêu Chính Chân quê ở xã Mường Chiên, châu Quỳnh Nhai, trước làm thừa phái ở Than Uyên, sau chuyển đi Yên Bái, rồi Bắc Quang (Tuyên Quang) đã cùng gia đình trở về Quỳnh Nhai và đã thông báo cho họ hàng, dân bản biết về phong trào Cách mạng Tháng Tám ở Tuyên Quang. Từ những nguồn tin này, một số quần chúng nhạy bén với thời cuộc đang làm nghề giáo viên, công chức có quan hệ họ hàng với ông Điêu Chính Chân như các ông Điêu Chính Liêm, Điêu Chính Thu, Điêu Chính Súm, Điêu Chính Dinh sớm nhận bắt được ý nghĩa của sự kiện và thời cuộc, nên đã thống nhất hình thành Nhóm hoạt động cách mạng ở Quỳnh Nhai, do ông Điêu Chính Chân lãnh đạo. Từ đây, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã được đón nhận một luồng sinh khí mới của cách mạng và sự lãnh đạo của Chính phủ do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay sau khi thành lập, Nhóm đã cử ông Điêu Chính Chân lên Lai Châu và ông Điêu Chính Liêm đi Sơn La để liên lạc và nắm thêm tình hình cách mạng trên địa bàn cùng như các khu vực xung quanh có liên quan. Tại thị xã Sơn La, ông Điêu Chính Liêm đã gặp ông Cầm Văn Dung là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La và đồng chí Dương Văn Ty (tức Trần Quý Kiên) Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được Tổng bộ Việt Minh cử lên giúp hai tỉnh Sơn La, Lai Châu giành chính quyền cách mạng. Sau khi nắm được tình hình tỉnh Lai Châu và cụ thể là châu Quỳnh Nhai, đồng chí Dương Văn Ty khẳng định: “Trước sau Chính phủ cũng sẽ cử người lên để thành lập Ủy ban Cách mạng như ở Sơn La. Nếu châu Quỳnh Nhai thành lập được chính quyền Chính phủ rất hoan nghênh”. Tại cuộc gặp, đồng chí Ty cũng chuyển tới ông Liêm một số báo chí cách mạng và cờ đỏ sao vàng để làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân. Trở về Quỳnh Nhai, ông Điêu Chính Liêm thông báo kết quả chuyến đi, trong đó nhấn mạnh “muốn giành chính quyền thắng lợi thì trước tiên phải tuyên truyền cho nhiều người biết về thể chế chính quyền mới sẽ mang lại quyền lợi cho mọi người”, đồng thời tổ chức để các đồng sự của mình đi tới các xã, bản quanh vùng vận động quần chúng, tập hợp lực lượng (bao gồm cả những người giữ chức vụ trong chế độ thực dân phong kiến như thống quán, séo phải, tổng quản, kỳ mục,…đã qua giác ngộ), kết hợp với việc đi tìm vũ khí để vũ trang chuẩn bị cho việc cướp chính quyền. Còn ông Điêu Chính Chân sau khi đi Lai Châu về, đã cùng các ông Điêu Chính Liêm, Điêu Chính Sún, Điêu Chính Dinh, Điêu Chính Thu (người mới được tỉnh trưởng Lai Châu Đèo Văn Mun bổ nhiệm làm Châu đoàn), họp bàn để gấp rút chuẩn bị lực lượng bằng cách triệu tập tất cả số lính dõng trong toàn châu về tập trung tại châu lỵ nhận lệnh châu đoàn mới và luyện tập quân sự. Việc triệu tập này thực chất là một kế sách nằm trong kế hoạch cướp chính quyền đã được Nhóm cách mạng thống nhất.
Tối 16-10-1945, tại nhà ông Điêu Chính Thu tại bản Nghé Tổng, châu Quỳnh Nhai, một cuộc họp do ông Điêu Chính Chân chủ trì với các ông Điêu Chính Liêm, Điêu Chính Sún, Điêu Chính Dinh, Điêu Chính Thu và toàn thể lực lượng khởi nghĩa được tổ chức. Cuộc họp đã dự kiến danh sách Ủy ban lâm thời của châu gồm các ông Điêu Chính Chân, Điêu Chính Liêm, Điêu Chính Sún, Điêu Chính Dinh, Điêu Chính Thu, Điêu Chính Toàn. Đồng thời quyết định thời gian khởi nghĩa vào 19 giờ, ngày 17-10-1945; thống nhất nội dung, chương trình buổi mít tinh ra mắt Ủy ban lâm thời châu trước toàn dân vào ngày 18-10-1945.
Theo đúng kế hoạch, 19 giờ ngày 17-10-1945, cuộc khởi nghĩa được tiến hành. Toàn bộ lực lượng tiến sát bao vây các mục tiêu. Mũi thứ nhất do ông Điêu Chính Sún chỉ huy được trang bị giáo, mác, súng kíp, luồn qua hàng rào đột nhập vào trại lính cơ. Bị tập kích bất ngờ, lính cơ không kịp chống cự, phải nộp vũ khí ra hàng. Mũi thứ hai (mũi chính) do hai ông Điêu Chính Liêm và Điêu Chính Thủy chỉ huy bí mật đột nhập nhà tri châu. Tri châu Đèo Văn Túm không kịp chống cự, buộc phải nộp vũ khí, đầu hàng, đồng thời cam kết chấp hành mệnh lệnh của lực lượng khởi nghĩa để được hưởng lượng khoan hồng. Mũi thứ ba do ông Điêu Chính Dinh chỉ huy đi bắt bang tá Đèo Văn Khọi, nhưng tên này thấy động đã bỏ chốn về Lai Châu từ ngày hôm trước. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền đã về tay lực lượng khởi nghĩa. Toàn bộ vũ khí gồm 37 súng các loại và 5 hòm đạn đã rơi vào tay quần chúng cách mạng.
Ngay hôm sau (ngày 18-10-1945), vào hồi 8 giờ sáng, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động châu (trước cửa nhà Tri châu Đèo Văn Túm). Dưới cờ đỏ sao vàng, ông Điêu Chính Chân thay mặt lực lượng khởi nghĩa đọc lại Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công bố danh sách Ủy ban lâm thời của châu do ông làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, yêu cầu nhân dân phải tuyệt đối tuân theo sự lãnh đạo của Ủy ban lâm thời châu cho đến khi có bầu cử chính thức. Sau buổi mít tinh, Ủy ban lâm thời châu họp thông qua kế hoạch củng cố lực lượng phòng thủ, bảo vệ chính quyền và phân công tiến hành một số công việc khác cho các thành viên Ủy ban.
Như vậy, việc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của quần chúng nhân dân ở châu Quỳnh Nhai, tỉnh Lai Châu tuy diễn ra muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng đã thành công đúng như yêu cầu và kế hoạch đã định. Việc các châu khác như Điện Biên, Tuần Giáo, Luân Châu không giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám có nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết là do Lai Châu chưa có cơ sở cách mạng, lực lượng quần chúng không có. Các phái viên Chính phủ lên chủ yếu là thương thuyết, lực lượng hỗ trợ quân sự không có. Cũng cần nói rõ thêm, nguyên nhân chính của việc các châu khác trong tỉnh không có khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do Lai Châu khi đó chưa có một tổ chức Đảng để lãnh đạo nhân dân các dân tộc, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, mất đi yếu tố chớp thời cơ giành chính quyền, nên khi chính quyền tay sai mất chỗ dựa, hoang mang, dao động nhất (từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1945) đã không thực hiện được.
Qua diễn biến và đặc điểm đã nêu ở trên cho thấy rõ: mặc dù việc giành được chính quyền thành công ở châu Quỳnh Nhai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song lại có ý nghĩa rất lớn, vì nó chỉ diễn ra tại địa bàn duy nhất và thành công là ở châu Quỳnh Nhai. Điều đó đã khẳng định ở Lai Châu khi đó có Cách mạng Tháng Tám và việc giành chính quyền về tay nhân dân đã thành công ở một châu, đó là châu Quỳnh Nhai. Còn các châu khác việc giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám không diễn ra là do khách quan./.
Nguyễn Vân Chương