Gắn bó với nhân dân để làm tốt công tác dân vận của Đảng

Thứ Ba, 05/07/2016, 14:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm tốt công tác dân vận là góp phần thực hiện thắng lợi sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, từ đó tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, muốn làm tốt công tác dân vận thì phải gần dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp là những cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Năm 2016, là năm mở đầu, là năm bản lề trong việc tổ chức triển khai, học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Do vậy, muốn Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, thì vai trò của những người làm công tác dân vận là vô cùng quan trọng. Song, muốn nâng cao hiệu quả công tác dân vận đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay, thì ngoài việc cán bộ có uy tín, khéo tuyên truyền, thì còn phải biết gần dân. Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: Người cán bộ dân vận phải là người: “có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” có như vậy mới thuyết phục được nhân dân và từ đó mới gần được nhân dân.

v
Bộ đội Biên phòng Điện Biên tăng cường "bốn cùng" với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn không ít tình trạng cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch, xa dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, thậm chí có những cán bộ còn phai nhạt về tư tưởng, đạo đức lối sống, thiếu khả năng tuyên truyền, thuyết phục hoặc là "cán bộ suông" (tức là nói suông, hứa mà không làm), những cán bộ này họ đang dần xa dân. Đâu đó, vẫn còn có hiện tượng cán bộ “chỉ biết chỉ đạo, xem báo cáo trên giấy, chứ không thực tế, không sát với tâm tư, nguyện vọng của người dân, không kiểm tra đến nơi, đến chốn” hay như trước mặt người dân thì thể hiện sự “quan cách”, miệng thì nói "dân chủ" nhưng việc làm thì kiểu hình thức “quan chủ”. Vẫn còn có những cán bộ, đảng viên miệng thì nói “phụng sự nhân dân”, còn thực tế thì họ “chỉ biết cái lợi cá nhân, chẳng những không lo phục vụ nhân dân, mà còn để nhân dân phục vụ lại mình”.

Do vậy, để được quần chúng hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định người cán bộ ngoài uy tín, phẩm chất, năng lực thuyết phục người khác ra, thì còn phải biết hòa đồng, biết chia sẻ và nhất là sự gần gũi với người dân. Người cán bộ dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở lại càng quan trọng hơn, khi muốn triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới dân, thì nhất thiết phải biết “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, mỗi cán bộ dân vận cần biết ít nhất một ngôn ngữ dân tộc phù hợp với địa phương, thì mới tiến hành thuyết phục, giáo dục, vận động nhân dân có hiệu quả. Để có được phẩm chất này, đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng rèn luyện, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân cao hơn lợi ích cá nhân của mình.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, rất cần đội ngũ cán bộ dân vận tốt, biết "dân vận khéo" để vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, là hơn lúc nào hết các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải luôn luôn nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương để đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

 

Khánh Toàn
                                                                   Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên

                                                                    
 

.