40 năm tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Điện Biên TV - Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên CNXH.
Để thực hiện đầy đủ mục tiêu thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, (họp tháng 9-1975) đã đề ra chủ trương lãnh đạo. Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được triệu tập vào tháng 6 năm 1976. Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng hiến pháp; về cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước khi chưa có hiến pháp mới và bầu các cơ quan đó để điều hành công việc chung của cả nước. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2/7/1976). Quốc kỳ là lá Cờ đỏ Sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất; thành phố Sài Gòn – Gia Định đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước theo chủ trương của Đảng và đúng ý nguyện của nhân dân, đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam dịp cuối tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Nguồn internet) |
40 năm với tên gọi Cộng hoà XHCN Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào: Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri. Nâng cao được sức chiến đấu, vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng chú trọng đổi mới. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được tăng cường. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.
Kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, văn hóa - xã hội có bước tiến bộ rõ nét. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới, điều quan trọng hơn là nước ta vẫn giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng hoá trên thị trường dồi dào, đa dạng và lưu thông thuận lợi. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Các loại thị trường từng bước được hình thành và phát triển, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Vấn đề tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho đối tượng chính sách được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh. Thành quả cách mạng, chế độ XHCN, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, trình độ hiểu biết về quốc phòng, an ninh và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, giữ vững độc lập chủ quyền Quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO...; đang đàm phán tham gia TPP; chuẩn bị ký kết các hiệp ước của EU; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hoà bình khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định, thành tựu đáng tự hào đạt được trong 40 năm qua của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nền tảng vững chắc để nhân dân ta, dân tộc Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ vững và bảo vệ được thành quả cách mạng, bảo vệ được chế độ XHCN, giữ vững được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời giữ vững và thực hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng. Thành tựu đó cũng tạo ra thế và lực mới cho đất nước ta phát triển đi lên với triển vọng ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta đã từng bước lớn mạnh và giờ đây vị thế Việt Nam đã và đang có tiếng nói quan trọng với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên khắp bốn biển, năm châu./.
Nguyễn Vân Chương