Siết chặt kỷ luật Đảng để thải loại đảng viên thoái hóa, biến chất

Thứ Tư, 01/06/2016, 08:29 [GMT+7]

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, cần siết chặt kỷ luật Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng để làm trong sạch đội ngũ của Đảng
 
Lòng tin của dân tạo nên sức mạnh của Đảng

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

Trong bài phát biểu này, sau khi nêu bật những thành tựu đã đạt được cũng như khẳng định sự đúng đắn trong đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm đã và đang làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Vũ Duy)

 

Theo Tổng Bí thư: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh…

Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng…”

Đánh giá cao bài phát biểu thẳng thắn của Tổng Bí thư, Thiếu tướng- PGS.TS Lê Văn Cương cho rằng Tổng Bí thư đã đánh giá đúng và phản ánh đúng sự thật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI. Một tình trạng đúng như Tổng Bí thư nói, đặt vấn đề đối với Đảng ta mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải tiếp tục thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Nếu không chấn chỉnh, khắc phục được những sai lầm, những thiếu sót, tha hóa trong một bộ phận cán bộ đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức có quyền thì nguy cơ quần chúng sẽ xa rời Đảng, không còn tin Đảng. Lịch sử đã chứng minh lòng tin của dân tạo nên sức mạnh của Đảng. Năm 1945, có khoảng hơn 4000 đảng viên, Đảng ta đã tập hợp được toàn dân đồng lòng đứng dậy giành chính quyền, từ đó dân tin Đảng, cộng hưởng ý Đảng - lòng dân tạo nên sức mạnh vô địch.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh: “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra một vấn đề càng ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Đảng ta nói chung và Ban Chấp hành Trung ương nói riêng; phải bằng mọi cách thực hiện được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khắc phục về tha hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ đảng viên”.

1
Thiếu tướng Lê Văn Cương

 

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, sau 3 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta mà trực tiếp là Bộ Chính trị đã quyết tâm làm được rất nhiều việc, xử lý kỷ luật hàng chục nghìn đảng viên; đưa ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp. “Chưa bao giờ Đảng xử lý kỷ luật nhiều cán bộ đảng viên như vậy, kể cả Ủy viên Trung ương, cấp Bộ trưởng cho đến Thành ủy. Điều đó cho thấy Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận ra vấn đề, quyết tâm thực hiện và làm được nhiều việc”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Tuy nhiên, dư luận cũng trăn trở tại sao xử lý kỷ luật nhiều như vậy nhưng tình trạng thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm với dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vẫn là thực trạng đáng lo ngại. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, những việc Đảng đã làm được vừa qua là cần thiết, cứng rắn và có hiệu quả.

Song để khắc phục gốc rễ những tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên các cấp, các ngành, cán bộ chủ chốt cần phải thực hiện hai việc cơ bản. Thứ nhất là thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, trong sinh hoạt Đảng phải thực hành dân chủ, để cho mọi đảng viên sẵn sàng nói lên mọi suy nghĩ của mình, ủng hộ cái đúng, phê phán cái chưa tốt. Nếu trong Đảng không dân chủ, trong sinh hoạt Đảng đảng viên không dám nói ra, uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh: “Thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng là việc làm số một. Tuy nhiên vấn đề này trong thời gian qua làm chưa đến nơi đến chốn, vẫn còn tình trạng sinh hoạt Đảng mang tính hình thức. Trong sinh hoạt Đảng mà đảng viên không dám nói mà chỉ nói ngoài cuộc họp và không ai chịu nói thật cả. Đó là thực trạng vẫn đang diễn ra”.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, vấn đề thứ hai cần phải làm tốt trong thời gian tới là vấn đề giám sát quyền lực. “Quyền lực càng cao thì giám sát quyền lực càng phải cao. Điểm lại những vụ như Vinashin, “siêu lừa” Huyền Như… cho thấy vấn đề giám sát quyền lực trong thời gian qua chưa hiệu quả. Chúng ta có Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ nhưng nghe ra quyền lực dường như có những “vùng cấm”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.

Giải pháp đồng bộ

Sau khi theo dõi, phân tích bài phát biểu của Tổng Bí thư, PGS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tin tưởng những thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt của Tổng Bí thư sẽ sớm được hiện thực bằng những hành động cụ thể.

 

1
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Quang Trung)

 

PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, khi Tổng Bí thư phát biểu tại hội nghị về công tác dân vận cho thấy đây là vấn đề trọng đại, bởi mối quan hệ giữa Đảng và dân là bản chất cách mạng của Đảng. Nếu Đảng xa dân, cán bộ đảng viên suy thoái, hống hách, vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân thì sẽ làm giảm bản chất cách mạng của Đảng, từ đó phương hại tới vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, tình trạng đảng viên thoái hóa, biến chất, xa rời quần chúng đã được nhìn nhận từ 10-20 năm trước nhưng không cụ thể là ai, ở đâu, cần có biện pháp cụ thể như thế nào vì thế những sai phạm tiếp tục lặp lại, thậm chí có xu hướng phức tạp hơn. Vì vậy, để dân tin, dân theo, Đảng phải quyết liệt hơn với những biểu hiện tiêu cực. PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng trong thời gian tới cần chỉ đích danh những cán bộ với địa chỉ rõ ràng có những biểu hiện như Tổng Bí thư đã nêu thì mới có thể khắc phục được. Nếu chỉ nêu ra thì sẽ dẫn tới tình trạng có nhiều người nghĩ khuyết điểm đó ở cơ quan khác, ở bộ phận khác mà cơ quan và bản thân mình không có. Như vậy chỉ có phê phán mà không có giải pháp sửa chữa.

Quyết tâm của Tổng Bí thư lần này rất cao, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ, song cần có biện pháp đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở để thực hiện quyết tâm này đạt hiệu quả.

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, để đạt được quyết tâm nêu trên, trước hết cần siết chặt kỷ luật Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng; Tăng cường kỷ cương pháp luật của nhà nước; Cần phải có chính kiến phản biện, đánh giá, lắng nghe dân để sửa chữa cán bộ của mình; Tăng cường hơn nữa giáo dục trong Đảng và trong hệ thống chính trị vì hiện nay tính đảng, tính chiến đấu trong đảng còn thấp; Chú ý tới tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ đảng viên. Đặc biệt, cần làm nghiêm túc, đồng bộ hơn nữa các bước về công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển… thì mới có được đội ngũ cán bộ mà trước hết là cán bộ quản lý các cấp thực sự như mong muốn của Đại hội XII mà trước đó Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã nêu./.

 

Theo VOV
 

.