Lãng phí hàng nghìn tỷ, trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?
Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ sử dụng ngân sách cho đến tài sản công, chất lượng quy hoạch, đầu tư... đều còn nhiều tồn tại, gây lãng phí lớn.
Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có thể khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, tại phiên họp 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc chiều 15/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trình bày báo cáo của chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế.
“Lãng phí không nhỏ”
Trước hết, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Còn tình trạng vi phạm quy định pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây lãng phí ngân sách nhà nước; việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị (Ảnh minh họa) |
Trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, người đứng đầu ngành Tài chính cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra; tình trạng cho thuê, góp vốn liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt.
Ở vấn đề khác mà dư luận lâu nay rất bức xúc chính là việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Chính phủ nhận định vẫn còn tình trạng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư tràn lan, chưa gắn với hiệu quả đầu tư nên gây lãng phí không nhỏ. Và đặc biệt, tiến độ thực hiện dự án chậm, chất lượng không đảm bảo yêu cầu vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương; hiệu quả đầu tư công chưa cao gây lãng phí tiền vốn.
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thì không nói ra ai cũng biết, rằng tình trạng vi phạm pháp luật, lãng phí đất đai xảy ra ở nhiều nơi...
Những tồn tại, hạn chế còn được chỉ rõ trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, qua giám sát có thể khẳng định việc chi ngân sách còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí.
Trong quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thì vẫn còn “sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định”. Con số mà Ủy ban này nêu ra là năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 32.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và từ chối thanh toán nhiều khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền hàng chục tỷ đồng.
“Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết.
Dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, trách nhiệm ra sao?
Điều đáng chú ý là báo cáo của Chính phủ đề cập một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một điều dễ hiểu song không thể không lo khi “không ít cơ quan, tổ chức” đánh giá sơ sài, chưa có số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm cũng như những vụ việc có lãng phí trong phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương và theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành được phân công. Bởi, khi báo cáo không rõ thì nghiễm nhiên trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cũng khó chỉ ra được.
Song theo theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, có những vấn đề về lãng phí báo cáo cần chỉ rõ ra địa chỉ, tránh việc chỉ nêu chung chung là một số địa phương, một số nơi, dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm.
Còn Báo cáo thẩm tra của cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém theo phản ánh của cử tri và dư luận.
Dư luận và cử tri phản ánh, Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp |
Theo đó, đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước. Hay Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện…
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, sau khi nêu một số dự án khác có dấu hiệu lãng phí như Nhà máy đạm Ninh Bình; nhà máy sợi Đình Vũ; nhà máy xăng sinh học ethanol… cũng đề nghị lên danh sách, yêu cầu báo cáo về các dự án này và “trong việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại đơn vị trên bây giờ đã luân chuyển đi đâu, làm gì khi có dấu hiệu để thất thoát, lãng phí như thế?”.
Từ tình trạng trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị “cần báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu”./.
Theo VOV