Không chỉ ra ai là cán bộ thoái hóa, xử lý sao được?
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, cần phải nêu rõ địa chỉ, chỉ rõ cán bộ, đảng viên nào thoái hóa, biến chất thì mới xử lý được.
Kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và các Chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận được tổ chức mới đây.
Tổng Bí thư đã phát biểu thẳng thắn: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng còn chức được bảo đảm thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về bài phát biểu này của Tổng Bí thư.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Phải công khai minh bạch xử lý cán bộ sai phạm
PV: Tính trong 3 năm (từ 2012-2014), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 54.000 đảng viên ở các cấp và xóa tên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác.Nhưng tại sao tình trạng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vô trách nhiệm trước dân vẫn là thực trạng rất đáng lo ngại, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong 3 năm Đảng ta đã xử lý kỷ luật hơn 54.000 đảng viên, đó là một lực lượng không nhỏ. Như trong Nghị quyết TW 4 đã nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”, việc xử lý như vậy là hết sức nghiêm túc.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến một cách tích cực, theo tôi có một số lý do. Thứ nhất, từ phía tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở, việc thực thi Nghị quyết TW 4 chưa nghiêm túc, vì nếu thực thi nghiêm túc thì số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý cao hơn và mức độ xử lý cũng sẽ nghiêm khắc hơn thì mới có tính răn đe.
Thứ hai, đây không phải là việc riêng của Đảng mà là của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội, của nhân dân. Bài phát biểu của Tổng Bí thư về dân vận vừa qua cũng nói lên vai trò của nhân dân trong việc giám sát và tham gia công tác xây dựng Đảng, nhưng hiện nay chúng ta chưa phát huy được điểm này. Có những cán bộ, đảng viên hư hỏng nhân dân phát hiện nhưng tổ chức Đảng lại không thấy, hoặc thấy rồi nhưng lại có hiện tượng bao che.
Thứ ba là sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên đặc biệt là những cán bộ có chức có quyền chưa thực sự nghiêm túc theo chuẩn mực đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết TW 4 và nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu ra.
PV: Không khó để nhìn nhận từ 10 năm, 20 năm trước đã có nhận định về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất nhưng không chỉ rõ địa chỉ ở đâu, là ai và cần có biện pháp cụ thể như thế nào. Vì thế những sai phạm tiếp tục lặp lại, thậm chí có xu hướng phức tạp hơn. Ông cắt nghĩa điều này như thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, hư hỏng thì không phải đến Hội nghị TW 4 mới nhận định mà từ Hội nghị TW 3 khóa VII năm 1992 đã nhận định. Sau này khi thực hiện Nghị quyết TW 6 (lần 2) vào năm 1999 chúng ta cũng không thực hiện nghiêm túc. Chính việc thực hiện không nghiêm túc dẫn tới tình trạng hư hỏng, tiêu cực ngày càng phát triển. Khi đã trở thành “nạn” lớn trong Đảng thì việc ngăn chặn nó rất khó. Và ngay cả việc phòng ngừa cũng chưa làm tốt nên khi xảy ra rồi mới xử lý, và cũng có những vụ việc nghiêm trọng nhưng xử lý chưa đến nơi đến chốn.
Cũng có tình trạng cứ phê phán như vậy nhưng không có địa chỉ cụ thể là hư hỏng này ở bộ phận nào? Ở cấp nào? Ở cán bộ cao cấp thì người đó là ai? Như hiện tượng đã nói nhiều là chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, thậm chí cả chạy luân chuyển vẫn cứ nói chung chung như vậy thì không giải quyết được. Vì vậy, kỳ này theo tôi phải chỉ rõ địa chỉ, chỉ rõ là ai thì mới xử lý được.
Nghiên cứu ở thời kỳ trước cho thấy Đảng ta xử lý rất nghiêm túc, chỉ rõ tên từng người, ở mức độ sai phạm như thế nào, đáng kỷ luật thậm chí đưa ra pháp luật… Nếu chỉ phê phán chung chung thì nhiều người nghĩ khuyết điểm này là của ai đó chứ không phải của mình, ở cơ quan khác chứ không phải cơ quan hay địa phương mình. Theo tôi, điều đó cần phải được khắc phục.
PV: Việc công khai minh bạch xử lý cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất mà lâu nay vẫn đang thực hiện đã thỏa đáng chưa, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Vừa rồi có một tín hiệu mới là sau khi có Nghị quyết TW 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có công khai một số vụ lớn mà thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhưng theo tôi cần phải làm thêm ở cấp cơ sở, công khai rõ ràng hơn nữa, chỉ rõ đích danh, sai phạm như thế nào… Trước đây, nhiều trường hợp vẫn nói chung chung, có trường hợp công khai nhưng mức độ xử lý lại giữ nguyên như kết luận trước đây. Những việc đó thiếu tình thuyết phục, răn đe và thiếu sự đồng cảm chung trong Đảng cũng như trong xã hội.
Sắp tới tình hình này cần phải làm mạnh hơn nữa, người nào sai cần phải công khai trên các phương tiện thông tin để toàn Đảng, toàn dân biết và theo dõi việc xử lý đến đâu, người đó có sửa chữa được hay không.
PV: Vì sao tình trạng nói không đi đôi với làm, nói suông nhưng không làm cũng không sao đã tồn tại lâu nay nhưng gần như chưa khắc phục được, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Một trong những phong cách của Bác Hồ là Người luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn, kết hợp giữa vấn đề chung của thời đại với vấn đề riêng của đất nước, kết hợp giữa nói và làm. Bác nói ít nhưng là con người hành động. Bác muốn toàn Đảng, toàn dân hành động là chính.
Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu hoặc nói rất hay, thậm chí kêu gọi chống tham nhũng nhưng bản thân họ lại là người tham nhũng, kêu gọi chống lãng phí nhưng bản thân họ lại tiêu xài hoang phí của dân, của nước…
Tại Đại hội 12 đã nói tới xây dựng Đảng về đạo đức và vừa qua triển khai Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vì vậy kỳ này, ngoài đạo đức cần hết sức chú ý tới phong cách nói đi đôi với làm. Làm phải thiết thực, cụ thể, mang lại những điều tốt đẹp cho dân cho nước. Một lời nói tốt cũng là quý, nhưng một việc làm tốt còn quý hơn nhiều chương trình hành động to tát mà không đem lại hiệu quả gì.
Hiện nay phong cách nhiều cán bộ vẫn quan liêu, xa dân, vô cảm, nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít, thậm chí hứa hẹn rồi bỏ đó… tất cả những điều đó dân đều biết và bức xúc lắm. Nếu tạo được sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, Mặt trận và nhân dân cùng suy nghĩ, hành động theo một hướng thì sẽ khắc phục được những tiêu cực đang tồn tại hiện nay.
Cơ chế giám sát của nhân dân với cán bộ
PV: Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nói: Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe quần chúng, không học hỏi người lao động…. Nhưng cũng đặt ngược lại một vấn đề là cơ chế Đảng chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng cũng chưa rõ ràng, cụ thể có đúng không, thưa ông ?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Điều này là rất đúng. Ngay như ngày bầu cử năm 1946, Bác đã nói: những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu. Chuyện “quan cách mạng” đã có rất sớm như vậy. Cho đến bây giờ có thể nói những người có chức có quyền vẫn vô cảm, xa dân, hống hách với dân… vì vậy, về mặt Đảng cần phải kiên quyết kỷ luật và xử lý nghiêm về pháp luật. Đồng thời cũng cần có một cơ chế tốt hơn nữa về sự giám sát của nhân dân. Vì người dân đều biết cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, nhưng cơ chế nào để họ nói ra, phản ánh với Đảng và khi họ đã phản ánh rồi thì xử lý như thế nào. Nhiều khi người dân phản ánh rồi thì để đó, thậm chí còn bao che thì sự giám sát của nhân dân không mang lại kết quả, từ đó người dân cảm thấy chán nản, mất niềm tin.
Vì vậy, cần tập trung vào quy chế chứ không chỉ nói riêng cơ chế. Phải có quy chế, văn bản rõ ràng, dân phản ánh cái gì, ai là người có trách nhiệm nghe và nghe rồi thì xử lý đến đâu… thì mới phát huy được trí tuệ và sức sáng tạo, trách nhiệm của mọi người dân.
PV: Sẽ là thiếu sót nếu như nói về quyết tâm chính trị để cán bộ thực sự vì dân mà không nói đến trách nhiệm giải trình của cán bộ trước dân. Hiện nay, cơ chế để lắng nghe, giải quyết ý kiến, kiến nghị của dân tuy đã có nhưng dường như vẫn là những quy định cứng trong các văn bản, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Sự giải trình của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp nhiều khi chỉ là thủ tục; giải trình xuất phát từ bệnh thành tích, cái gì làm tốt thì giải trình sâu, phân tích kỹ; cái gì khuyết điểm thì nói qua đi, hay có những lý do bao biện cho những sai phạm, khuyết điểm đó. Những giải trình đó ít tính thuyết phục. Sắp tới, các đại biểu giải trình trước Quốc hội, các Chủ tịch tỉnh giải trình trước Hội đồng nhân dân phải như thế nào để tạo ra được suy nghĩ, hành động tập thể chung cho toàn Đảng thì mới mang lại hiệu quả.
PV: Theo ông, làm thế nào để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân, từ đó Đảng trong sạch, vững mạnh, để quyết tâm chính trị thành hiện thực?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, cần phải tăng cường giáo dục trong Đảng; mỗi cán bộ đảng viên phải tự tu dưỡng, còn nếu cán bộ, đảng viên nào không thể giáo dục được thì nên loại bỏ khỏi bộ máy; làm nghiêm ngặt theo đúng quy trình cán bộ gồm đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đề bạt, luân chuyển, luôn phê bình và tự phê bình để tìm ra những phần tử thoái hóa, biến chất và loại bỏ những phần tử đó ra khỏi Đảng.
Cuối cùng, một giải pháp rất căn cơ đó là phải có sự giám sát của nhân dân. Nhân dân giám sát tốt thì nhất định sẽ có những cán bộ tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV