Chỉ đích danh địa chỉ trách nhiệm gây lãng phí: Sao lại khó thế!

Thứ Tư, 22/06/2016, 09:43 [GMT+7]

Theo TS Đinh Văn Minh, do chế độ trách nhiệm nên khó ở chỗ có quá nhiều người có quyền, nhưng cuối cùng xác định trách nhiệm của ai thì rất phức tạp.

Gần 49.000 tỷ đồng là con số tiết kiệm được theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2015, tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, hơn 600 xe ôtô được mua mới với tổng nguyên giá 603 tỉ đồng. Số lượng xe ôtô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ôtô và thay thế số xe ôtô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng. Những con số cùng với các nhận định này đáng vui hay đáng buồn, đáng khen hay còn nhiều điều phải bàn và liệu nó có thực sự chính xác?

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.
 

1
TS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ

 

Số lãng phí là vô kể

PV: Thưa ông, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng, Nhà máy Đạm Ninh Bình và rất nhiều nhà văn hóa, chợ, ký túc xá… là những công trình đã được gọi tên về sự lãng phí. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

TS Đinh Văn Minh: Đó là một số công trình chúng ta có thể nhìn thấy và sự lãng phí của nó là rất lớn. Còn lãng phí thì chúng ta thấy ở tất cả mọi nơi trong cơ quan nhà nước, trong hoạt động công quyền, trong các công trình dự án, thậm chí trong các lĩnh vực khác nữa đôi khi ít để ý như giáo dục, lĩnh vực đào tạo, sự lãng phí trong sinh hoạt văn hóa, trong lễ hội.

Dân Việt Nam ta tuy chưa giàu nhưng chi tiêu nhiều khi quá mức thu nhập. Với những con số vừa nêu ra thật đáng suy nghĩ, số tiết kiệm không đáng bao nhiêu, nhưng số lãng phí thì vô kể.

PV: Như vậy con số hơn 49.000 tỷ đồng tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2015 là rất nhỏ so với lãng phí, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy. Tại sao số tiết kiệm thì tính được, nhưng số lãng phí thì không tính được? Số tiết kiệm nhiều khi là “automatic”, ví dụ năm nay nhà nước quy định tất cả cơ quan trừ 10%, coi như tiết kiệm, thì rõ ràng khi cộng lại thì sẽ ra ngay con số, nhưng số lãng phí thì không thể tính được.

Như câu chuyện về xe công, vừa rồi Bộ Tài chính nêu riêng Liên đoàn Lao động có đến 327 xe, trong đó thừa 80 xe, chưa nói đến việc 327 xe là nhiều hay ít, nhưng tính theo tiêu chuẩn thì đã thừa rồi. Có nghĩa là số lãng phí là vô cùng lớn.

Hay như theo tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm có nhiều thứ lắm. Chúng ta hay nói đến các công trình, như giáo dục đào tạo, chúng ta đào tạo ra rất nhiều tiến sĩ nhưng chất lượng đến đâu? Đó cũng là một sự lãng phí lớn. Hay như do chất lượng đào tạo như vậy nên con cháu chúng ta cứ ra nước ngoài học. Mỗi năm, chúng ta mất 3 tỷ USD để con cháu ra nước ngoài học ra nước ngoài. Và ngay cả việc ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều thành tựu y học của Việt Nam đáng quý, nhưng tại sao lại cứ phải sang Singapore chữa bệnh?

Đó là những con số lãng phí khủng khiếp mà chúng ta thấy nó hiện diện ở mọi nơi, mọi chỗ, mặc dù chúng ta hướng vào sự tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công. Nhưng nhìn trên bình diện xã hội thì nó là con số khủng khiếp không thể tính được.

Ai là người có trách nhiệm?

PV: Theo ông, vì sao việc chỉ đích danh địa chỉ trách nhiệm lại khó thế?

TS Đinh Văn Minh: Cái này liên quan đến một vấn đề phức tạp là vấn đề trách nhiệm. Rõ ràng chúng ta có thể chỉ ra công trình này lãng phí, công trình kia bị bỏ hoang, hoặc cơ quan này thừa ô tô, nhưng việc chỉ ai là người có trách nhiệm lại là việc rất khó.

Vì sao lại như vậy? Bởi vì, như chúng ta biết chế độ trách nhiệm thứ nhất là trách nhiệm tập thể, thứ hai để làm được một việc gì đó đâu phải chỉ một người quyết. Như chuyện công trình, phải có người có dự án, có người phê duyệt, có người thẩm định, có người quyết định, có người giải ngân. Hay như chuyện xe, không phải cứ quyết là mua được đâu mà phải có kế hoạch, qua duyệt các cơ quan tài chính… tức là hàng loạt chủ thể tham gia vào việc đó. Vì vậy, nếu nói ai là người có trách nhiệm thì rất khó.

Tôi cho rằng, do chế độ trách nhiệm nên khó ở chỗ chúng ta có quá nhiều người có quyền, nhưng cuối cùng xác định trách nhiệm của ai thì rất phức tạp. Không phải nhà nước không muốn, nhưng do cơ chế hiện nay chưa thay đổi được thì chúng ta đành chấp nhận câu chuyện chung chung gọi là trách nhiệm của tất cả mọi người.

PV: Tại phiên họp 49 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn đề nghị cần báo cáo cụ thể việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại đơn vị có dấu hiệu để thất thoát, lãng phí đã luân chuyển đi đâu, làm gì?”. Ông cho rằng câu hỏi này rất khó trả lời hay là câu trả lời đã biết trước: thường làm đúng quy trình,?

TS Đinh Văn Minh: Ở đây có 2 câu chuyện. Thứ nhất, việc xác định ai là người gây thất thoát, lãng phí hiện nay đã chuyển đi đâu. Thứ hai là liên quan đến công tác cán bộ, người nào có trách nhiệm như thế nào, tại sao có một vài người được chuyển đi chỗ khác mà không hề chịu trách nhiệm về hậu quả trước đó.

Nói về chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện nay Đảng, Nhà nước đã nói rất nhiều, đặc biệt ngay cả trên công tác điều động, luân chuyển cán bộ hiện nay cũng đặt vấn đề có chuyện nọ, chuyện kia không. Chúng ta nói đến chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, bây giờ thêm một mối lo nữa là chạy luân chuyển.

Chính sách luân chuyển là đào tạo cán bộ, người nào ở Trung ương về địa phương để lăn lộn với thực tiễn để có thể lên ở tầm vĩ mô, nhưng không cẩn thận, quá trình chuyển đổi như vậy cũng là sự thăng tiến, nên cũng sẽ có chuyện chạy chọt.

Câu hỏi của bà Lê Thị Nga thể hiện sự lo lắng, búc xúc. Trước kia, có thể anh ở vị trí có thể đã gây hại lãng phí rồi, bây giờ được điều động đến chỗ cao hơn thì đó là mối lo rất lớn.

Trở lại câu chuyện quy trình, từ trước đến nay chúng ta có thấy ai không đúng quy trình đâu. Vì quy trình là trình tự thủ tục và tôi tin những người thực hiện điều này đều làm rất chặt chẽ, kể cả cơ quan có trách nhiệm họ làm rất đúng vì đó đã thành “nghề”. Nhưng bản thân những người muốn “lọt” qua những chỗ đó thì họ cũng thừa khôn khéo để làm sao cho đúng quy trình.

Nhưng bản chất quy trình đó cũng do con người. Qua các khâu, bằng cách này, cách khác, bằng thân quen hay các tác động khác… thì những điều tưởng chừng như là rào cản, những chặt chẽ như vậy để bảo đảm một cán bộ thật tốt, có năng lực trách nhiệm thì cuối cùng người đó cũng qua được.

PV: Phải chăng đây là nguyên nhân của tình trạng lãng phí xảy ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực trong nhiều năm và gần như không ai kiểm soát, không ai chịu trách nhiệm, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy. Vì khâu đánh giá đội ngũ cán bộ là một khâu khó khăn nhất. Nhìn vào các cơ quan nhà nước, có mấy người không hoàn thành nhiệm vụ đâu, cuối năm người nào cũng khá, cũng tốt, là chiến sĩ thi đua… nhưng thực tế các công cụ nhiệm vụ của chúng ta vẫn hoàn thành hoặc chưa hoàn thành; người dân vẫn kêu ca về hoạt động công quyền, vẫn xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Vì vậy, khâu đánh giá cán bộ hiện nay cần xem lại. Nếu không thì cứ nhìn vào lý lịch đẹp, năm nào cũng hoàn thành, nhưng điều đó không đúng thực chất. Kể cả quy trình là tốt, là chặt chẽ nhưng nó có phải là thực chất hay không.

PV: Từ các phép tính cho thấy hậu quả của lãng phí là không nhỏ nhưng thật khó cắt nghĩa tại sao chúng ta lại thờ ơ như vậy, thưa ông?

TS: Đinh Văn Minh: Nếu nói là thờ ơ thì không hẳn, vì người dân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất lo lắng, nhiều cơ quan Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp để làm sao ngăn chặn được tình trạng lãng phí cũng như đề cao tinh thần thực hành tiết kiệm.

Người ta nói lãng phí có 3 nguyên nhân, một là kém trong quản lý; hai là lãng phí do thói quen; ba là liên quan đến tham nhũng, có những công trình, những công việc không đáng làm nhưng thấy ở đây, mình có thể có lợi gì đó thì vẫn cứ làm, rồi để đấy không có tác dụng gì. Đó là 3 nguyên nhân từ đó cho thấy cần phải làm gì để giảm bớt tình trạng lãng phí như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

Theo VOV

.