Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Thứ Ba, 17/05/2016, 16:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tháng 5 về, cả đất nước dâng tràn niềm vui, mừng kỷ niệm lần thứ 126 năm ( 19/5/1890 - 19/5/ 2016) ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Cùng với đó toàn Đảng, toàn dân đang tưng bừng, nô nức, phấn khởi đón chờ "Ngày hội non sông" - cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ngày 22/5/ 2016.  Hòa trong các sự kiện trọng đại này, xin được giới thiệu cùng bạn đọc: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. 

 

 

Nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, thì vấn đề cơ bản của chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai và phục vụ quyền lợi cho ai. Năm 1945, sau khi nước nhà giành độc lập, Người đã khái quát: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân";  "dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân" và “ Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân... nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa nhà nước ta - Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà nước bóc lột trước đó đã từng tồn tại trong lịch sử xã hội.

Do đó, theo Người, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là nhà nước dân chủ, ở đó quyền lực bắt nguồn từ Nhân dân, quyền hạn tối cao nhất thuộc về Nhân dân. Người dân làm chủ đất nước, thông qua những đại diện do mình bầu ra. Vai trò của Nhân dân được đặt ở vị trí tối cao và quyền lực của Nhân dân được bảo đảm trên thực tế. Quyền hành của Nhân dân được thể hiện trước hết là quyền bầu cử và ứng cử. Người nhấn mạnh: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà". Nhân dân không chỉ có quyền ứng cử, bầu cử, mà còn có quyền kiểm tra, giám sát và bãi miễn những người không làm tròn trách nhiệm, không xứng đáng trước Nhân dân.

Người chỉ rõ một nhà nước thật sự là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" thì phải coi việc phục vụ Nhân dân, đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân là mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình". Người khẳng định: "Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của Nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ". Vì vậy Nhà nước từ trung ương đến chính quyền các cấp phải có trách nhiệm lo cho dân, phải là "công bộc của dân" hết lòng hết sức sức phục vụ Nhân dân. Phải luôn khắc ghi và nhớ rằng: "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh".

Theo Hồ Chí Minh, một xã hội có trật tự kỷ cương là một nhà nước mạnh, hoạt động có hiệu lực, phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Dân chủ nhưng phải có kỷ cương pháp luật "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Nhà nước của dân, do dân, vì dân là nhà nước tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống của xã hội bằng pháp luật và bản thân Nhà nước phải đặt mình trong sự kiểm soát  của Nhân dân và tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Là người kiến tạo nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân" ở Việt Nam. Hồ Chí Minh yêu cầu và chỉ rõ :"Các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác công việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật". Phải lấy "Dân là gốc của nước". Người nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Người chỉ dạy đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không được "vác mặt làm quan cách mạng". Vì vậy   phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức,  tuyệt đối trung thành với với Tổ quốc và Nhân dân. Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực hành "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư".

Hiện nay cả nước đang tiến hành cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Quán triệt tư tưởng cùng  chỉ huấn của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.  Theo đó trước hết cần củng cố, xây dựng bộ máy nhà nước, gắn  với xây dựng hệ thống chính trị. Xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, ủy ban Nhân dân các cấp. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân. Dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Trên cơ sở khẳng định những thành tựu đạt được, khách quan, thẳng thắn nhận rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần ra sức khắc phục. Tiếp tục, chấn chỉnh tổ chức hoạt động của bộ máy công quyền, để bộ máy tinh gọn, hoạt động  hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng quy chế khung để thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ. Hãy dựa vào dân, lắng nghe, lấy sự hài lòng của Nhân dân để cải cách thủ tục hành chính, đánh giá cán bộ. Hãy kiên quyết loại bỏ, những khâu cấp phép, những thủ tục "xin, cho" trong quá trình thực hiện các chương trình dự án. Đảm bảo quyền con người, minh bạch, công khai quyền và nghĩa vụ công dân cùng các quy định, thủ tục hành chính. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng... hiện đang trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội; đang trở thành "giặc nội xâm". Làm băng hoại, sói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, giải quyết các khiếu kiện, tố cáo của công dân...

Cùng với xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng bộ máy, cải cách thể chế hành chính. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức một cách toàn diện. Coi trọng cả đức lẫn tài, trong đó đức phải là gốc. Bố trí, sử dụng cán bộ phải thật sự công tâm, chặt chẽ, dân chủ và công khai. Trọng người tài, đức, có tâm, có tầm, có uy tín và họ phải được bố trí, bầu cử, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm tương xứng với năng lực và cương vị mà họ đảm trách. Đồng thời thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để họ đem sức lực và trí tuệ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 



                                                Đỗ Quang Khải.

.