Dấu ấn sau 9 lần làm cử tri

Chủ Nhật, 22/05/2016, 15:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, diễn ra trong không khí sôi động, mang ý nghĩa chính trị trọng đại; Cử tri và các tầng lớp nhân dân hy vọng và kỳ vọng các vị đại biểu đại diện cho cho mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương nhiệm kỳ này hoạt động sao cho thiết thực, hiệu quả, thể hiện rõ được trách nhiệm vì đất nước, vì nhân dân.

Sau hàng loạt các hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và học tập Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; hiệp thương giới thiệu người ứng cử; tiếp xúc với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 tại địa bàn dân cư và các hội nghị do MTTQ các cấp tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, thì việc khắp nơi nơi trong tỉnh cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích tưng bừng, rực rỡ; loa thông tin, báo, đài của tỉnh tuyên truyền sôi động, rộn ràng khắp các đường phố, thôn bản từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh, đã tác động mạnh đến tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, trong đó bản thân tôi về vinh dự, tự hào, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia bầu cử ngày 22/5/2016 đã hoàn thành.  

Trong niềm hân hoan, phấn khởi của những người là chủ và làm chủ Ngày Hội dân chủ - pháp lý thời kỳ hội nhập, hồi ức về thời gian 40 năm, với 9 lần là cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội Quốc hội lại ùa về trong tôi. Trong 9 lần đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976 – 1981), vào ngày 25/4/1976, là cuộc làm tôi xúc động mạnh nhất. Vì lúc đó mình còn trẻ, mới hơn 18 tuổi, lần đầu tiên được vinh dự cầm lá phiếu cùng cử tri hai miền Nam, Bắc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là lần thứ 2 cử tri cả nước cùng đi bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, và được tiến hành trong bối cảnh miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối, nhưng đất nước ta vẫn còn tồn tại hai chính phủ: Chính phủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III mới có Nghị quyết lần thứ 24 “Về vấn đề thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”; Bộ Chính trị có Chỉ thị số 228 CT/TW, ngày 3/1/1976 “Về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày 25/4/1976” .

c
 Ông Nguyễn Vân Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, cử tri tổ bầu cử số 2 phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ bỏ phiếu bầu cử tại nơi cư trú

 

Khi cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 được tổ chức, lúc đó tôi đang là công nhân kỹ thuật cơ điện thuộc Công ty Quản lý Thủy nông huyện Duy tiên, tỉnh Hà Nam Ninh, lại tham gia công tác Đoàn Thanh niên, nên nhớ rất rõ lúc đó tất cả cử tri cũng như các tầng lớp nhân dân trong khu vực chúng tôi công tác và sau này theo thông báo của Quốc hội là tuyệt đại đa số đồng bào hai miền Nam – Bắc nước ta đều quán triệt, đồng thuận, nhất trí cao với nhận định của Đảng, Nhà nước: “Đây là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông; là cuộc biểu dương lực lượng vĩ đại của nhân dân ta và ý chí thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết phấn đấu dưới ngọn cờ quang vinh, bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Do có sự chuyển biến về nhận thức nên trong các tổ chức kinh tế, địa phương, cơ quan đơn vị đều đã biến thành hành động cách mạng như: Phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác, nhằm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1976; Phong trào khôi phục và phát triển sản xuất công nghiệp; Phong trào khai hoang, phục hoá, làm thủy lợi, đi xây dựng vùng kinh tế mới… Nhiều sản phẩm mang tên “Thống nhất” hoặc “25-4” ra đời để chào mừng tổng tuyển cử. Lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là động lực thúc đẩy nhiều giới, nhiều người tham gia xây dựng đất nước với nhiều hình thức sinh động: Phong trào “ngày Chủ nhật lao động cộng sản chủ nghĩa”, phong trào “lao động tình nguyện xây dựng Tổ quốc” của thanh niên, phong trào thi đua “Quyết thắng” của lực lượng vũ trang nhân dân.... Chính sự tham gia chủ động, tích cực, đảm bảo dân chủ và thực hiện đúng quy định pháp luật của cử tri và nhân dân cả nước nên ngày 25 tháng 4 năm 1976 đã thật sự là ngày hội lớn của toàn dân ta. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ tập thể, người chiến thắng, những con em của dân tộc Việt Nam anh hùng đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Nhớ lại dấu ấn lịch sử và những hoạt động sôi nổi của các tầng lớp nhân dân trong cuộc Tổng tuyển cử cách đây 40 năm để thấy hiện nay, khi đất nước ta tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5/2016, là sự tiếp nối và phát triển quá trình đi đến hoàn thiện nền dân chủ pháp quyền, xây dựng một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Công việc chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử được các tổ chức chính trị và cơ quan chức năng chuẩn bị hết sức khẩn chương, chu đáo, nên cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi, dân chủ, đúng luật. Tâm thế cử tri và tư tưởng của tuyệt đại đa số nhân dân hết sức phấn khởi. Cử tri tham gia Ngày hội dân chủ - pháp lý đạt tỷ lệ cao. Mỗi người khi cầm lá phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đều có chung một hy vọng và kỳ vọng vào những người được lựa chọn làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động sao cho hiệu quả, thiết thực, xứng đáng với sự ủy thác của cử tri đứng ra gánh vác công việc của Nhà nước, của nhân dân. Chính vì lẽ đó, tuyệt đại đa số cử tri đều chú tâm lựa chọn những người đủ trình độ, có tầm hiểu biết, luôn coi trọng việc rèn luyện và thực hiện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, không vì tư lợi cá nhân mà quên đi quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình được Đảng cử, dân bầu.

Hy vọng và kỳ vọng về đại biểu Quốc hội và HĐND là như vậy, nhưng về phía cử tri chúng ta cũng có một số vấn đề cần nêu để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục như: Trong xã hội vừa qua còn  một số người có những vấn đề chưa đồng thuận với phương pháp điều hành của cán bộ, đảng viên, của cơ quan công quyền, hoặc còn có sự mâu thuẫn về tư tưởng trong chính bản thân mình. Nên, nặng thì có những việc làm đi ngược lại lợi ích dân tộc, ý định tự tước bỏ đi quyền và lợi ích chính đáng của mình, không tham gia bầu cử, nói cách khác là không tham gia xây dựng chính quyền của mình. Thậm chí họ đã lợi dụng các sự kiện như: Cá chết ở miền Trung; xây dựng đường sắt trên cao tại Hà Nội; Trung Quốc có những hoạt động phi pháp tại biển Đông; một số sai phạm của cơ quan tố tụng báo chí nêu; những phiền hà trong thủ tục hành chính và việc giải quyết chưa thấu đáo vấn đề đất đai, nạn phá rừng, thực phẩm bẩn... rồi sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử, nhất là qua internet, các trang mạng xã hội như twitter, facebook... kêu gọi, kích động nhân dân, nhất là giới trẻ tham gia biểu tình gây rối, làm mất an ninh trật tự nơi công cộng, tại các khu đô thị, thành phố lớn và cao hơn là tuyên truyền, vận động mọi người không tham gia bỏ phiếu bầu cử, làm mất ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Một dạng khác nhẹ hơn, nhưng lại mang tính phổ biến trong xã hội, nhất là trong lớp trẻ, đó là thái độ bàng quan trước các hoạt động mang tính cổ động chính trị, không tham gia học tập, tìm hiểu luật và các quy định về bầu cử. Thể hiện công khai quan điểm, nếu có đi bầu cử thì chỉ là “bầu cho xong”. Thậm chí vì đố kỵ, thiếu hiểu biết, bất đồng cá nhân… mà vô tình có hành động bồng bột, đi ngược nguyện vọng chung của nhân dân, chủ ý gạch bỏ cả những người có trách nhiệm trong các tổ chức chính trị và có uy tín với xã hội trên lá phiếu của mình.

Để phát huy những thắng lợi đã đạt được trong quá trình xây dựng chính quyền Nhà nước thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc bầu cử lần này, thời gian tới, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, hướng dẫn của MTTQ các cấp cần tiếp tục tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ, những người lần đầu tiên được đi bầu cử cần nhận thức rõ: Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, với nhiệm kỳ 2016-2021 lại diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, nên cuộc  bầu cử lần này là dịp để đất nước ta tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do đó, việc mỗi cử tri, nhất là cử tri trẻ tuổi đã tham gia đầy đủ, chủ động, tích cực, thể hiện tính dân chủ, đúng pháp luật trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, là một việc làm mà chính bản thân mình đã thể hiện được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của mình với Đảng, Tổ quốc và nhân dân./.

 

Nguyễn Vân Chương
                                                                             Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên

 

.