Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích dân tộc, lên trên lợi ích cá nhân

Thứ Tư, 18/05/2016, 15:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong suốt chặng đường ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ cho mình một lối sống giản dị, trong sáng, nhân văn và đầy trách nhiệm. Điều đó được thể hiện bao trùm và rõ nhất trong việc Người luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Đây chính là bài học cách mạng lớn nhất, sâu sắc nhất mà Hồ Chí Minh đã dạy cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.

 

 

Nhìn lại thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, có một yếu tố mang tính then chốt, đó là Đảng mà đứng đầu là Bác Hồ đã đề ra và thực hiện rất tốt nguyên tắc: đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Sự trở về của những trí thức như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh v.v…, lúc bấy giờ chính là do tin tưởng vào nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người không mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân, mà tất cả đều dành cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chính nguyên tắc đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, hay nói theo tiếng Hán là “dĩ công vi thượng” của Bác đã tạo ra được sức hút, “truyền lửa”, hình thành và phát huy sức mạnh của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, để giành lấy chiến thắng trước những đối phương lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần.

Mẫu mực trong thực hiện “dĩ công vi thượng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm cảnh báo hiện tượng cán bộ, đảng viên “dĩ công vi tư” và nhắc nhở họ phải luôn luôn giữ gìn đạo đức và nhân cách: “Có thể nhiều người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng khi về đến thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”, vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn làm gương mẫu trong mọi công việc, phải luôn thực hành 4 chữ: “Cần, kiệm, liêm, chính”( Trích Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987, t.7, tr.38 )

Thực hiện lời dạy của Bác về “dĩ công vi thượng”, trong công cuộc đổi mới, rất nhiều cán bộ, đảng viên ra sức phấn đấu vượt lên mọi khó khăn làm cho dân giàu, nước mạnh; cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận suy thoái đạo đức, sa vào chủ nghĩa cá nhân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh lãnh đạo của Ðảng ta, đến lòng tin của nhân dân đối với Ðảng.

Thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu, vận dụng, thực hiện “dĩ công vi thượng” theo tấm gương tư tưởng đạo đức Bác Hồ luôn là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết cho tất cả cán bộ, đảng viên. Cán bộ là gốc của mọi công việc. “Dĩ công vi thượng” là gốc của mọi cán bộ. Sức mạnh lãnh đạo của Ðảng thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ, mỗi người cần thường xuyên tự xem xét, kiểm điểm suy nghĩ và hành động của mình; cần đánh giá lại mức độ đóng góp của bản thân cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho công tác xây dựng Đảng; cần nhận rõ mức độ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà mình đã thực hiện được. Mỗi người, trên từng cương vị công tác, cần thực hiện đều đặn nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”( Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12/10/1945 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia )

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cần quán triệt tốt quan điểm: Nhân dân cần những người cán bộ biết “dĩ công vi thượng” trong bộ máy của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị; nếu ai không thực hiện được dĩ công vi thượng thì không thể trở thành người cán bộ, đảng viên chân chính. Vì tác dụng nêu gương của người đảng viên, cán bộ có vai trò rất quan trọng. Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời bồi dưỡng, biểu dương những cán bộ, đảng viên gương mẫu “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; đồng thời cũng cần phải thẳng thắn uốn nắn những lệch lạc, đấu tranh loại bỏ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cơ hội. Công tác cán bộ, công tác tự phê bình và phê bình v.v…, mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra, cần được các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến từng địa phương, cơ sở tập trung làm tốt, mang lại kết quả thiết thực.

Để triển khai Nghị quyết đại hội đảng các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, việc vận dụng quan điểm, tư tưởng “dĩ công vi thượng” theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ đảng viên là điều không thể thiếu và hết sức cấp thiết lúc này. Chính vì sự vững mạnh của Đảng, của dân tộc, vì sự trường tồn của đất nước, một yêu cầu hết sức cấp thiết lúc này là các cấp ủy, tổ chức Đảng, trong đó người đứng đầu của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị cần quyết tâm, quyết liệt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong tất cả các khâu công việc, bắt đầu từ góp ý, bình cán bộ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, đến việc tham gia giới thiệu, chọn lựa những cán bộ, đảng viên gương mẫu, đủ đức, đủ tài, biết cống hiến cho đất nước, chăm lo cho lợi ích của Nhân dân để bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến các địa phương. Đây chính là cách chúng ta thực hiện tốt nhất nguyên tắc mà Bác Hồ đã nêu gương và làm gương: Cán bộ đảng viên luôn luôn phải đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân./.

 

Nguyễn Vân Chương

.