Điện Biên: Công tác bầu cử trên địa bàn được triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Điện Biên TV – Thực hiện Công văn số 1214/BNV – CQĐP ngày 21/03/2016 của Bộ Nội vụ về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh Điện Biên tổng hợp báo cáo tình hình triển khai bầu cử trên địa bàn tỉnh đến khi có kết quả hiệp thương lân thứ hai. Nhìn chung Công tác bầu cử trên địa bàn được triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 Bầu cử Đại biểu Quốc Hội và Đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên |
Về Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản hưỡng dẫn về bầu cử: Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ngày 25/6/2015, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh Điện Biên luôn tích cực, nỗ lực, chủ động chuẩn bị triển khai các nội dung công việc theo đúng kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương.
Từ tháng 11 năm 2015 Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND cấp huyện tiến hành khảo sát các điều kiện, phương tiện phục vụ bầu cử; đồng thời chủ động chuẩn bị các nội dung có liên quan đến công tác bầu cử. Ngay sau khi tiếp thu ý kiến tại Hội nghị triển khai ở Trung ương, UBND tỉnh đã tham mưu trình Thường trực Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh, Chỉ thị lãnh đạo công tác bầu cử.
Ngày 29/01/2016 sau khi thống nhất với TT HĐND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị, Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh , Quyết định thành lập các Tiểu ban giúp việc Ủy ban bầu cử tỉnh . Sau khi thành lập, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử ; tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai công tác bầu cử cho trên 200 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 (vào ngày 26/12/2015 âm lịch, sau Hội nghị Trung ương 02 ngày); đã họp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ủy ban bầu cử và các tiểu ban giúp việc vào ngày 05 tháng 02 . Các tiểu ban giúp việc (Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban cơ sở vật chất, Tiểu ban an ninh trật tự, Tiểu ban tuyên truyền) đã xây dựng kế hoạch và tích cực, chủ động thực hiện công tác tham mưu cuộc bầu cử. Ngoài ra, Uỷ ban bầu cử tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thông báo về thành phần, cách kê khai và thời gian, địa điểm nộp hồ sơ ứng cử, hướng dẫn mẫu phiếu, hòm phiếu, con dấu, in ấn tài liệu; quy định chế độ thông tin báo cáo..vv. Đến nay, UBBC tỉnh đã ban hành tổng số 31 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, báo cáo về bầu cử. Thường xuyên cập nhật, nắm tình hình bầu cử báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời, đúng tiến độ yêu cầu.
Về Việc nộp Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành hướng dẫn về việc kê khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; ban hành văn bản Thông báo và tổ chức tiếp nhận Hồ sơ ứng cử. Việc nộp hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ ứng cử đảm bảo dân chủ, đúng quy định, thời hạn, tiến độ yêu cầu. Ở cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành hướng dẫn, thông báo địa điểm, thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.
- Ở cấp tỉnh: tiến hành nhận hồ sơ từ ngày 08/3/2016 đến 17 giờ ngày 13/3/2016. Ủy ban bầu cử tỉnh đã nhận được 10 bộ hồ sơ của 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 91 hồ sơ của 91 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Có 30% ứng cử viên tự mình đến nộp hồ sơ ứng cử, 70% bộ hồ sơ gửi nộp hộ, tất cả hồ sơ nộp đều được kiểm tra, thẩm định và ghi giấy biên nhân. Không có hồ sơ tự ứng cử.
- Ở cấp huyện đã tiếp nhận được tổng số 565 hồ sơ ứng cử, không có hồ sơ tự ứng cử.
- Ở cấp xã đã tiếp nhận được tổng số 5720 hồ sơ ứng cử, có 01 hồ sơ tự ứng cử
Về Tình hình dự kiến số đại biểu được bầu, tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử
- Kết quả hiệp thương lần thứ nhất:
+ Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Ngày 16/02/2016 Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức hiệp thương lần thứ Nhất để thoả thuận cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, tỉnh Điện Biên được phân bổ 06 đại biểu Quốc hội, 02 đại biểu cư trú và làm việc tại Trung ương, 04 đại biểu là người địa phương. Các cơ quan ở tỉnh giới thiệu 10 người ứng cử, được phân bổ cho 9 cơ quan, tổ chức; đại biểu là phụ nữ dự kiến 02 người, đại biểu là người dân tộc thiểu số 04 người, đại biểu ngoài đảng 01 người.
+ Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh. Trên cơ sở dự kiến của Thường trực HĐND tỉnh, ngày 16/02/2016 Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã tổ chức hiệp thương lần thứ Nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử vào làm đại biểu HĐND của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực HĐND tỉnh đã điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, tỉnh Điện Biên được bầu 51 đại biểu, dự kiến giới thiệu 91 người ứng cử, tỷ lệ đại biểu tái cử dự kiến chiếm 33,33%; đại biểu là phụ nữ dự kiến 31,4%; đại biểu dân tộc thiểu số dự kiến chiếm 56,9%; đại biểu ngoài đảng dự kiến 9,8%; trẻ tuổi dự kiến chiếm 15,6%. Dự kiến phân bổ cho 41 cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử.
+ Đối với đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành đúng quy trình, thời gian theo hướng dẫn dẫn và quy định hiện hành. Cấp huyện được bầu dự kiến 327 đại biểu, trong đó dự kiến giới thiệu tổng số 567 người ứng cử, nữ chiếm 34%, dân tộc thiểu số chiếm 60,3%, ngoài đảng chiếm 13%, trẻ tuổi chiếm 36%. Cấp xã được bầu dự kiến 3342 đại biểu, trong đó dự kiến giới thiệu 5574 người ứng cử, nữ chiếm 30,5%; dân tộc thiểu số chiếm 84,4%, ngoài đảng chiếm 37,8%, trẻ tuổi chiếm 50,6%.
- Kết quả sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2:
+ Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Ngày 17/3/2016 đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 ở cấp tỉnh để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Tại Hội nghị hiệp lần thứ nhất 01 đại biểu nữ dân tộc thái xin rút; Hội nghị đã biểu quyết nhất trì tán thành. Do vậy sau Hội nghị hiệp thương lần 2 có 09 ứng cử viên là người địa phương, trong đó: Nữ 05 người, Dân tộc kinh 01 người, dân tộc Mông 03 người, dân tộc Thái 02 người, 03 nữ dân tộc Khơ Mú là người ngoài đảng.
+ Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 ngày 17/3/2016 do Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh tổ chức để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử. Hội nghị đã biểu quyết thống nhất lập danh sách sơ bộ 91 ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ 35/91 tỷ lệ 38,46%; tỷ lệ người ứng cử là người dân tộc 56/91 tỷ lệ 61,54%; tỷ lệ người ứng cử ngoài đảng 14/91 tỷ lệ 13,58%; tỷ lệ người ứng cử trẻ tuổi 23/91 tỷ lệ 25,27%. Cơ cấu người được giới thiệu ứng cử đảm bảo theo đúng cơ cấu đã phân bổ.
+ Đối với cấp huyện, cấp xã: Đến hết ngày 18/3/2016 cấp huyện, cấp xã đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 theo đúng thời gian quy định…
Nhìn chung công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh được triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Các cấp, các ngành đều tích cực, chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử. Thường xuyên nắm tình hình triển khai công tác bầu cử, báo cáo kịp thời với Hội đồng bầu cử quốc gia, UBTVQH, Chính phủ, Ủy ban TW MTTQVN và các Bộ, Ngành Trung ương. Đến nay, công tác triển khai công tác bầu cử đều diễn ra thuận lợi, an toàn, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Tuấn Anh - BBT