Tại sao bầu 500 đại biểu Quốc hội, ít nhất phải có 896 ứng cử viên?

Thứ Ba, 16/02/2016, 16:49 [GMT+7]

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH cho biết, 896 ứng cử viên đại biểu Quốc hội là con số tối thiểu ứng cử viên cần phải có khi dự kiến có 198 đơn vị bầu cử.

Tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VIII tổ chức sáng nay (16/2), ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam băn khoăn: “Rất nhiều cử tri thắc mắc tại sao hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội giờ mới được tổ chức nhưng trước đó đã có thông tin trên báo chí là có 896 người ứng cử. Con số này ở đâu ra, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất chưa làm gì mà đã có kết quả này?”.

1
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV

 

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, 896 ứng cử viên đại biểu Quốc hội là con số tối thiểu ứng cử viên cần phải có khi chúng ta dự kiến có 198 đơn vị bầu cử.

Ông Lê Minh Thông dẫn khoản 6, Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 2 người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định”.

“Như vậy có 198 đơn vị bầu cử x 2 thì có số dư là 396 người. Con số này cộng với 500 đại biểu được bầu theo luật thì chúng ta có tối thiểu phải là 896 ứng cử viên, còn số dư càng nhiều càng tốt”- ông Thông nói./.

 

Theo VOV
 

.